Prices / Mô hình kinh tế

Cây Ca Cao Cho Hiệu Quả Thấp

Cây Ca Cao Cho Hiệu Quả Thấp
Author: 
Publish date: Thursday. September 5th, 2013

Trước tình trạng vụ việc người trồng ca cao Bến Tre đang đồng loạt chặt bỏ vườn cây của mình, trao đổi với NTNN, TS Hoàng Quốc Tuấn cho rằng chuyện này là tất yếu và đã được cảnh báo từ nhiều năm nay.

Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (thuộc Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam) – người từng thực hiện nhiều dự án liên quan đến cây ca cao khẳng định: Việt Nam không phù hợp để phát triển cây ca cao, sức cạnh tranh của ca cao cũng không thể bằng các cây trồng truyền thống khác như cà phê, cao su hay cây ăn trái… Bến Tre là tỉnh có diện tích ca cao lớn nhất cả nước, với hơn 10.000ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ca cao không cạnh tranh lại bưởi da xanh do thị trường tiêu thụ của bưởi da xanh được mở rộng, giá tăng mạnh… Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên, cây ca cao cũng thua xa cà phê, cao su…

Từng được xem là “cây thoát nghèo” của nhiều địa phương, tại sao đến nay ca cao lại bị nông dân chặt bỏ, thưa ông?

- Ngành nông nghiệp chỉ mới có hướng phát triển cây ca cao thời gian gần đây, trước đó, chủ yếu do các nước tài trợ cả về vốn lẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm… thông qua các dự án quốc tế.

Tuy nhiên, sau gần 60 năm vào Việt Nam, ca cao vẫn là cây trồng mới, số lượng nhà khoa học tham gia nghiên cứu về ca cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, ngành trồng trọt thiếu nhiều thông tin khoa học, dẫn tới khó khăn trong việc đưa ra những khuyến cáo chính xác trong trồng, chế biến ca cao.

Ông đánh giá thế nào về điều kiện canh tác ca cao ở Việt Nam?

- Có thể khẳng định, chỉ trong điều kiện mưa ổn định, số tháng mưa từ 10 - 11 tháng/năm, lượng mưa đạt 100ml/tháng thì cây ca cao mới phân hóa mầm hoa và hình thành quả, cho năng suất cao. Trong khi đó, điều kiện khí hậu của Việt Nam chỉ có 6 tháng mưa trong năm. Trừ một số vùng xung quanh sông Đồng Nai có mưa 8 tháng/năm nhưng đây lại là nơi trồng nhiều cây công nghiệp khác, có giá trị kinh tế cao hơn.

Hơn nữa, đến nay, Việt Nam vẫn chưa tạo ra được bộ giống ca cao bố mẹ đủ chuẩn, cũng chưa có giống ca cao nào được Bộ NNPTNT công nhận, cho đưa vào sản xuất chính thức. Đó là những nguyên nhân khiến ca cao không phát triển được ở Việt Nam dù đã có mặt từ lâu đời.

Cũng có ý kiến cho rằng, ca cao có tiềm năng trở thành “cây trồng triệu đô” ở Việt Nam, ý kiến của ông như thế nào?

"Trên thế giới hiện có 51 nước trồng ca cao, tất cả đều là những nước nghèo, đất rộng, trình độ dân trí kém... Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, không còn là nước nghèo, vậy tại sao lại chọn “cây của nhà nghèo” để phát triển? Là để tự nhận rằng mình nghèo sao?”.TS Hoàng Quốc Tuấn

- Tôi không nghĩ vậy! Hiện tại, có nhiều số liệu cho rằng năng suất ca cao ở Việt Nam rất lớn, đạt 2 – 3 tấn/ha, nhưng đó là cách tính theo năng suất điển hình, từ những cây điển hình. Ví dụ, cây ca cao tốt nhất trong vườn đạt năng suất 20kg, họ lấy nhân với mật độ 600 cây/ha đối với dự án ca cao trồng xen và 1.200 cây/ha đối với ca cao trồng thuần, cho ra năng suất 2 – 3 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất thực tế của cả thế giới trong vòng 5 năm qua chỉ ở mức 450kg/ha.

Trong khi ca cao là cây trồng có đặc tính di truyền không ổn định, năng suất giữa các cây hoàn toàn khác nhau, thậm chí cây con cũng không hề giống với cây bố, mẹ.

Còn nếu nói sản phẩm gia tăng từ ca cao có giá trị triệu đô thì có thể đúng. Trái ca cao khi chế biến thành sôcôla, giá trị tăng lên gấp 20 lần. Tuy nhiên, để làm được việc này, doanh nghiệp phải nhập khẩu dây chuyền chế biến từ các nước châu Âu với giá rất cao.

Vậy tại sao trước đây, ngành nông nghiệp vẫn chấp nhận cho thực hiện các dự án quốc tế về ca cao tại Việt Nam, gây lãng phí thời gian, tiền của?

- Do nhu cầu hạt ca cao trên thế giới rất lớn. Có thời điểm, nguồn cung ca cao trên trên thế giới thiếu hụt mạnh và giá tăng cao. Hơn nữa, các dự án đều được tài trợ và hầu hết các dự án phát triển ca cao ở Việt Nam đều trồng một cách áp đặt, hiệu quả không cao.

Đến nay, khi các dự án nước ngoài đầu tư vào ca cao ở Việt Nam đều đã kết thúc, chính quyền địa phương không đủ kinh phí, kiến thức để tiếp tục duy trì các mô hình đã có.

Xin cảm ơn ông!


Related news

Thị Trường Cao Su Dần Sáng Sủa Thị Trường Cao Su Dần Sáng Sủa

Cuối năm 2011, từ chỗ giao dịch cao su có lúc gần như “tê liệt”, chỉ còn ở mức khoảng 68 triệu đồng/tấn, nhiều Cty cao su lo ngay ngáy vì lượng cao su tồn kho khá lớn do tiêu thụ khó khăn, có Cty tồn tới 7.000 tấn. Thế nhưng, sang quí 1/2012 và đến nay tình hình sáng sủa hẳn lên, giá cao su tăng mạnh trở lại gần 30%.

Thursday. September 5th, 2013
Gương Mẫu Làm Giàu Gương Mẫu Làm Giàu

Sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hoàn thành phần việc đảm trách ở xã, vừa phát triển kinh tế gia đình là cách làm của ông Đinh Đức Bân - Chủ tịch Hội ND xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Thursday. September 5th, 2013
Rau Đà Lạt Được Chính Thức Công Nhận Thương Hiệu Rau Đà Lạt Được Chính Thức Công Nhận Thương Hiệu

Ngày 30/3, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trao Chứng nhận rau Đà Lạt cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chính thức công nhận thương hiệu rau Đà Lạt.

Thursday. September 5th, 2013