Căng Thẳng Tìm Nước Cho Ruộng Đồng Ở Bình Định
Trong khi các tỉnh miền Bắc liên tục đón các cơn mưa lớn, thì tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp...
Sông suối, ao hồ khô kiệt
Ông Nguyễn Trọng Phủ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết: “Chưa năm nào tình hình thiếu nước tưới lại căng thẳng như năm nay. Do lượng mưa của cả mùa mưa lũ năm 2012 và các tháng đầu năm 2013 ít, nên hầu hết các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng khô kiệt”. Kể từ sau khi phục vụ tưới cho sản xuất vụ đông xuân đến nay, tại 15 hồ chứa nước do công ty này quản lý chỉ còn tích được 234,55 triệu m3/457,84 triệu m3 nước. Đặc biệt, nhiều hồ hiện đã xuống đến mực nước chết, nhiều nơi đã phải huy động các loại máy bơm dã chiến, bơm dầu, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nước tưới.
Tại thời điểm này, nhiều hồ chứa nước ở Bình Định chỉ còn 10-20% nước so với dung tích thiết kế, thậm chí 115/162 hồ chứa cạn không có nước, không còn khả năng tưới trong vụ hè thu. Trước mắt, Bình Định đang cần lượng nước tưới cho 25.792ha, tuy nhiên qua cân đối nguồn nước tại các hồ chứa, chỉ đảm bảo khả năng tưới cho khoảng 22.000ha, như vậy còn 4.000ha chắc chắn không có nước tưới. Do không có nước, nhiều diện tích lúa và cây trồng tại các huyện như Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân đang rơi vào tình trạng khô hạn, ảnh hưởng sinh trưởng và năng suất.
Không chỉ ảnh hưởng đến diện tích lúa, tình trạng khô hạn ở Bình Định còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản và nguy cơ xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông Lại, sông Côn, sông Hà Thanh, sông La Tinh trong mùa khô năm nay cũng rất nghiêm trọng.
Lập hội đồng phân phối nước
Để chống hạn, tỉnh Bình Định đã tập trung ưu tiên đưa nguồn nước tưới về phục vụ các vùng ven biển, ven đê khu Đông để cấp nước sinh hoạt cho người, gia súc và chống tình trạng xâm nhập mặn. Đồng thời, Sở NNPTNT Bình Định cũng tiến hành khoanh vùng tưới ở những diện tích đảm bảo nguồn nước, khuyến cáo nông dân chuyển đổi những diện tích lúa không đảm bảo nguồn nước tưới sang trồng cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, đậu nành, mè, hoa màu các loại. Dự kiến, toàn tỉnh cần chuyển đổi ít nhất hơn 3.100ha đất lúa sang trồng các cây hoa màu khác.
Ông Nguyễn Trọng Phủ cho biết thêm, hiện công ty đã thành lập hội đồng phân phối nước và kiện toàn lại các tổ thủy nông nhằm thực hiện việc phân phối nguồn nước tưới hợp lý, tổ chức thực hiện nghiêm lịch tưới luân phiên ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tập trung tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, nâng cấp các đập bổi, lắp đặt các trạm bơm di động trên các sông suối, ao hồ; khoan, đào giếng tìm nguồn nước cho sản xuất.
Related news
Sản xuất theo quy trình VietGAP hiện là một trong những chương trình trọng điểm của Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình. Chính vì thế họ đòi hỏi khắt khe những sản phẩm sản xuất ra phải thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp và tiện sử dụng...
Dúi (có nơi còn gọi là con rúi) được xếp vào loại đặc sản; thịt dúi ngon, mát, giầu đạm. Đây là loại con dễ nuôi, chi phí rất thấp, ít tốn diện tích.
Tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá cao, 13,7%, tương đương thiệt hại 635 triệu USD/năm. Trong số này, chiếm cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Nếu như tất cả các khâu thu hoạch đều có khiếm khuyết thì tổn thất có thể lên đến 20,6%