Cấm Bẫy Tôm Hùm Tại Một Số Vùng Biển Phan Thiết
Các cơ quan chức năng thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã tích cực triển khai thực hiện việc tháo dỡ bẫy tôm hùm con, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn hàng ngàn bẫy đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi việc thực hiện Chỉ thị số 01 của UBND tỉnh Bình Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Bẫy tôm hùm con là nghề tự phát ở vùng biển Phan Thiết, mang lại thu nhập tương đối cao cho một bộ phận ngư dân (bình quân mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng). Không chỉ vậy nghề này còn là nguồn cung cấp giống cho một số trại nuôi tôm hùm thịt của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bẫy tôm hùm con tập trung chủ yếu tại các vùng biển Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài, Thanh Hải, Đồi Dương - Thương Chánh, Đức Long, Tiến Thành.
Khi nghề này ngày càng nở rộ, thì cũng là lúc phát sinh nhiều hệ lụy như mâu thuẫn, tranh chấp gây mất an ninh trật tự trên biển. Làm cản trở các thuyền nghề khác ra vào đánh bắt hải sản và ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch tắm biển, các loại hình giải trí, thể thao trên biển như thuyền buồm, lướt ván, chạy ca nô… Trong khi đó, với công nghệ hiện nay tôm hùm rất hiếm sinh sản trong môi trường nuôi trồng, vì vậy tôm hùm giống vẫn phải khai thác từ tự nhiên, nên nếu khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản của loại hải sản có giá trị kinh tế cao này.
Vì vậy, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của các hộ dân hoạt động nghề khai thác tôm hùm con và việc bảo vệ nguồn lợi tôm hùm tự nhiên, đồng thời đảm bảo môi trường cho các hoạt động du lịch thể thao và an ninh trật tự, an toàn giao thông trên vùng biển Phan Thiết, UBND thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các địa phương tổ chức nhiều lớp tuyên truyền về chủ trương Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND của UBND tỉnh để tất cả các hộ dân hoạt động nghề này hiểu và tự tháo dỡ bẫy. Sau đó, đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành đi kiểm tra và xử lý tại các khu vực biển Đồi Dương, Phú Hài, Thanh Hải, Hàm Tiến. Trong đợt đầu ra quân, đã tháo dỡ 1.915 bẫy tôm hùm con, giao cho các phường xử lý.
Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý tháo dỡ bẫy tôm hùm tại vùng biển Phan Thiết gặp không ít khó khăn. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số bãi biển như Mũi Né, Tiến Thành số lượng bẫy vẫn còn khá dày, dù đã được tháo dỡ. Còn tại khu vực Đồi Dương, để đối phó với lực lượng kiểm tra, một số ngư dân đã ngụy trang lưới rất tinh vi, như làm phao bẫy chìm xuống dưới mặt nước khoảng 1m để lực lượng chức năng không phát hiện được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Tiến - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết, Tổ trưởng Tổ kiểm tra cho biết, thời gian vừa qua do gặp khó khăn về kinh phí nên chúng tôi mới chỉ thực hiện việc kiểm tra, xử lý ở một số khu vực. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm các đợt kiểm tra ở những khu vực còn lại để xử lý triệt để vấn đề này.
Ngoài việc thực hiện Chỉ thị số 01 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết cũng đã ban hành quyết định về khu vực cấm nghề bẫy tôm hùm con trên một số vùng biển tại các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài, Hưng Long và xã Tiến Thành.
Theo Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 25/12/2012 của UBND tỉnh về quản lý nghề bẫy bắt tôm hùm con tại vùng biển Bình Thuận thì từ 1/3 đến 30/9 hằng năm, ngư dân phải tháo dỡ toàn bộ ngư cụ dùng để bẫy tôm hùm con đã giăng mắc cố định trong thời gian được phép đánh bắt. Cấm nghề bẫy tôm hùm con hoạt động tại các bãi tắm trước các khu du lịch, các bãi tắm phục vụ cộng đồng, các khu neo đậu tàu thuyền; các vùng cửa sông, cửa biển và tại các luồng tuyến giao thông mà các loại tàu thuyền thường xuyên qua lại.
Có thể bạn quan tâm
Theo Trạm Thủy sản số 2 (thuộc Chi cục Thủy sản), hiện trên địa bàn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có 70 hộ ương nghêu giống với tổng diện tích ao ương khoảng 110 ngàn m2, tăng gần 30 ngàn m2 so với năm 2011. Trong đó, có 30 hộ với 45 ngàn m2 ương giống từ nguồn nghêu có nguồn gốc Cà Mau, diện tích còn lại khoảng 65 ngàn m2 các hộ chuẩn bị dùng để ương giống tự nhiên tại chỗ.
Như NNVN vừa phản ánh ngày 26/3, nhiều hộ dân trồng khoai mỡ ở Thạnh Hoá, Long An đang lâm cảnh vô cùng điêu đứng vì sau khi phun thuốc trừ cỏ hiệu Misaron 80WP (do Hoa Binh Agrochem Corp - trụ sở tại Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Hà Nội cung ứng) làm khoai cháy lá và chết rụi. Hiện, PV NNVN tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp khác lâm cảnh tương tự do cơ quan chức năng cung cấp.
Dịch chổi rồng chưa có dấu hiệu giảm bớt trên các vườn nhãn thì trong thời gian qua hơn 250 ha sapôchê (hồng xiêm) ở các địa phương khu vực ven sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang lại bị rệp phấn trắng gây hại nghiêm trọng