“Thủy Quái” Trên Sông Mekong
Cá vồ cờ được ngư dân mệnh danh là “thủy quái” trên dòng Mekong bởi vóc dáng khổng lồ và sự hung hãn. Gọi là vồ cờ vì cái kỳ trên lưng nó vươn cao như ngọn cờ; lúc nó bơi, kỳ rẽ sóng dũng mãnh như cá mập tung hoành ngoài biển khơi
Cá dữ dòng Mekong
Cá vồ cờ thuộc họ cá tra, kích thước tối đa dài 3m, con lớn nhất nặng 300 kg. Đây là loài cá khỏe nhất, dữ tợn nhất trong loài cá nước ngọt. Khi săn mồi chúng đi thành bầy, bung cờ cuồng bạo rượt đuổi các loài cá lớn nhỏ ăn thịt. Đối với người dân vùng sông nước, vồ cờ là hung thần, chài dính vồ cờ sẽ bị nó lôi chài đi mất. Còn giàn lưới nào bị vồ cờ bơi qua nếu lưới không rách tươm cũng đi tong theo cá. Nhà sưu khảo Huỳnh Minh khi tìm hiểu Cần Thơ xưa đã tỏ ra vô cùng kinh ngạc về loài cá lạ này. Theo Huỳnh tiên sinh, tại rạch Cái Tắc, tỉnh Cần Thơ xuất hiện một cặp cá vồ cờ to lớn dị thường, bơi lội dậy sóng lớn gây kinh hoàng ngư dân. Có người vãi chài trúng nhằm cặp kỳ trên lưng, bị cặp cá kéo ghe chạy như bay, phải cắt bỏ chài nếu muốn giữ mạng. Sau cặp cá ấy bị bắn chết, dân làng thấy cá to kéo lên chặt khúc đem về ăn. Trong bao tử cá họ thấy nhiều vòng vàng, bông tai, chuỗi hột...
Nhưng loài cá bí ẩn ấy đột ngột biệt dạng trên sóng nước mênh mông. Loài thủy quái từng được mệnh danh là cá “ăn thịt người” nay bị ngư dân và nhà khoa học săn lùng ráo riết. Ngay mùa lũ chúng tôi tìm về làng cá ở thị trấn Phú Mỹ (H.Phú Tân, An Giang) - nơi từng xuất hiện nhiều cá vồ cờ. Ở làng cá này, ông Nguyễn Văn Kỷ là ngư dân đánh được nhiều cá to nhất, từ cá hô, cá tra dầu hàng trăm ký cho đến cá mập, cá đao hung tợn từ biển lạc vào. Năm 2008, ông Kỷ thả lưới dính con tra dầu nặng 46 kg. Tháng 5.2009 lại thả lưới dính con tra dầu nặng 33 kg, bán được 2 triệu đồng. Nghe chúng tôi nhắc đến tên cá vồ cờ, ông Kỷ liền lè lưỡi: “Nó là quái vật, ngư dân nào gặp nó là xem như mất của. Tuy sợ nhưng ai cũng mê nó, bởi bắt được nó mới chứng tỏ là tay sát cá bậc nhất trên dòng Mekong này”. Rồi ông Kỷ kể có lần ông đánh lưới được con vồ cờ 40 kg. Đó chỉ là con vồ cờ loại nhỏ, nhưng phải vất vả lắm ông mới lôi được lên bờ. “Nhìn tận mắt cái kỳ của nó ai cũng trầm trồ, nhưng khi mổ bụng cá thấy nhiều cà rá, dây chuyền làm bằng vàng, bạc khiến ai cũng kinh hãi” - ông Kỷ nói.
Trong những ngày truy tìm dấu vết cá vồ cờ, hầu như đến đâu chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ ngư dân. Họ bảo cá vồ cờ Mekong đã bị tuyệt chủng rồi. Bằng chứng là ngư dân ở đây thỉnh thoảng vẫn đánh lưới dính cá hô, cá tra dầu hàng trăm ký nhưng cá vồ cờ không thấy bóng dáng. “Vồ cờ ngang lắm, nếu còn chúng bơi lội nhởn nhơ trên sông, không ẩn nấp dưới đáy sâu như cá hô đâu” - lão ngư Nguyễn Văn Dung ở Xóm Chài, TP Cần Thơ - quả quyết. Ông Dung còn bảo đã là ngư dân thứ thiệt trên dòng Mekong, hầu như ai cũng từng nếm qua thịt cá hô, cá tra dầu, cá mập xà, nhưng chẳng có mấy người được nếm thịt cá vồ cờ. Là một lão ngư cừ khôi, nhưng cuối cùng ông Dung cũng đành đi vào lòng đất với khát vọng bất thành.
Nỗ lực bảo tồn
Tưởng chừng bí lối, cuối cùng chúng tôi cũng diện kiến được loài cá “huyền thoại” này trong một ao nuôi cá của ông Mười Linh ở TP Long Xuyên, An Giang. Đó là con cá vồ cờ cái đã hơn 10 tuổi, trọng lượng nặng trên 23 kg. Ông Vương Học Vinh, Trưởng bộ môn thủy sản, trường Đại học An Giang nói: “So với cá tự nhiên nó còn quá nhỏ nhưng phần vây lưng đã cao hơn 4 tấc. Mấy sinh viên thủy sản mê lắm, hay tới đây xem cá lạ. Con cá này lúc nhỏ nó theo nước lũ lạc vào ao nuôi, lúc bắt lên tưởng cá tra nhưng khi thấy cái kỳ lưng đặc trưng nhú lên, chúng tôi quá vui mừng vì biết đây là cá vồ cờ cực hiếm nên giao ông Mười Linh nuôi dưỡng”. Tuy nói là cá nhỏ nhưng đầu nó đã bằng đầu người, to như con nghé con. Dù thuần dưỡng quen hơi người nhưng phải 3 người mới bắt được bởi cá quá khỏe.
Với kiến thức về cá tôm, ông Vinh cho biết cá vồ cờ là loài cá hung tợn, khi săn mồi chúng đi thành bầy, khí thế dữ như cá mập, vây lưng con cái và đực cao như nhau. Theo ông Vinh cá vồ cờ ăn tạp nên nhiều khi ăn xác người trôi sông, nuốt luôn nữ trang. Vì thế khi mổ bụng cá thấy nữ trang ai cũng đồn đoán đây là “cá ăn thịt người”. Ông Vinh nói: “Vồ cờ là loài cá hiếm hoi của trời đất, gần như biến mất trên thế giới, nên giới thiệu cho công chúng chuyện lưu giữ được cá quý là điều phải làm. Nếu nhà báo phát hiện ở đâu còn cá vồ cờ đực thì se duyên giúp để tụi tôi còn phối giống”.
Chúng tôi liên hệ với Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (tọa lạc tại Tiền Giang) - nơi hiếm hoi lưu giữ các loài cá quý bản địa. Thạc sĩ Thi Thanh Vinh cho biết trung tâm may mắn nuôi được 2 con vồ cờ, một con cái nặng 20 kg và con kia khoảng 5 kg chưa xác định là đực hay cái. Đây là hai con cá do người dân bắt được nuôi như cá kiểng nên quý lắm, cán bộ trung tâm phải thuyết phục nhiều lần chủ nhân mới chấp nhận cho mượn chứ không bán.
Ông Vinh cho biết trong tự nhiên cá vồ cờ gần như tuyệt chủng nên ai cũng hy vọng con cá kia là đực để còn phối giống.
Trong khi các nhà khoa học đang lo cá vồ cờ sắp tuyệt chủng thì có tin tại Hồ Ông Thoại (thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) hiện còn... cả bầy cá quý này. Một nhân viên bảo vệ hồ kể rằng gần đây, du khách thuê thuyền du ngoạn trên hồ bỗng phát hoảng khi thấy loài cá rất lớn bơi đuổi theo thuyền. Khi được kè thuyền vào, các du khách kể: đang bơi thì thuyền đột ngột lắc lư rồi một cái gì đó như vây cá mập nổi lên, rồi một cái đầu cá to hơn đầu người há miệng đỏ như máu nhô lên mặt nước. Họ đòi kiện ban quản lý vì nuôi cá dữ mà không thông báo cho du khách biết. Ông Nguyễn Hữu Giềng, Trưởng ban quản lý Hồ Ông Thoại cho biết đó là cá vồ cờ, thuộc loại cá quý hiếm sắp tuyệt chủng, cá dữ nhưng không ăn thịt người. Ai hên lắm mới gặp được cá, du khách mới chịu bỏ qua.
Cũng theo lời ông Giềng, Hồ Ông Thoại rộng trên 5 ha, đáy hồ sâu gần 30 thước, hiện còn 8 con cá vồ cờ, mỗi con trọng lượng không dưới 40 kg. Cá vồ cờ rất ít khi nổi lên mặt nước. Chúng thường chỉ nổi lên vào mùa đông, có thể do nước hồ lạnh! Bầy cá vồ cờ này ban quản lý hồ mua lại từ các ngư dân cách đây 7 năm, lúc đó chúng đạt trọng lượng khoảng trên 20 kg/con. “Đây là chuyện cực kỳ nghiêm túc nên chúng tôi không nói bừa để câu khách đến xem cá lạ. Nếu các nhà khoa học tới nghiên cứu chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện” - ông Giềng nói.
Các nhà khoa học hy vọng với bầy cá vồ cờ này, họ sẽ ương ép tái tạo trả lại thiên nhiên loài cá quý hiếm từng thống trị sông ngòi miền Tây đang đứng bên bờ tuyệt chủng
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình sản xuất nấm Linh Chi.
Trang trại nuôi động vật hoang dã quy mô lớn của vợ chồng anh Trần Văn Ngự - chị Lê Thị Thôi ở thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn là mô hình mới, có hiệu quả cao ở vùng bán sơn địa huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
"Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Một trong các loài đặc sản đất Kinh kỳ đang đứng trước nguy cơ trở thành dĩ vãng bởi quá trình đô thị hóa.