Cá Tra Việt Nam Khó Càng Thêm Khó
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, người nuôi cá và các ngành chức năng đang bối rối khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố phán quyết cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1-8-2010 đến 31-7-2011. Theo đó, mức thuế tăng rất cao khiến cá tra Việt Nam khó có thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.
Thuế tăng… chóng mặt
Trong phán quyết sơ bộ của DOC đưa ra hồi tháng 9-2012, thì các doanh nghiệp bị đơn đều có mức thuế chống bán phá giá là 0%. Tuy nhiên, lần phán quyết cuối cùng này mọi việc đảo lộn, 17 doanh nghiệp thủy sản của nước ta đều chịu thuế suất chống bán phá giá rất cao từ 0,19 - 3,87 USD/kg. Trong đó, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp chịu thuế thấp nhất với mức 0,19 USD/kg; còn Docifish chịu thuế cao nhất với 3,87 USD/kg; các doanh nghiệp còn lại chịu thuế dao động từ 0,77 - 1,81 USD/kg. Đáng tiếc nhất là trường hợp của Công ty Vĩnh Hoàn đã được hưởng 3 lần liên tiếp thuế suất 0%, và nếu lần thứ 4 được 0%, sẽ được miễn thuế vĩnh viễn, thế nhưng mọi chuyện không như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh lo lắng, đây là phán quyết vô cùng bất lợi cho doanh nghiệp thủy sản nói riêng và ngành cá tra nước ta nói chung. Bởi mức thuế chống bán phá giá được áp cao như trên thì việc xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ rất khó, doanh nghiệp không có lời, thậm chí phải tháo chạy? Cũng trăn trở về vấn đề trên, ông Nhị Văn Khải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, bức xúc: “Cá tra là kinh tế thế mạnh của Đồng Tháp trong những năm qua và thị trường Mỹ được xác định chủ lực bởi giá bán cao. Song, mức thuế áp tăng chóng mặt lần này khiến việc xuất khẩu vào Mỹ vô cùng khó khăn”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, DOC bất ngờ thay đổi việc chọn nước thứ ba là Indonesia (thay vì Bangladesh) làm cơ sở để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam đã khiến mọi việc đảo lộn. Cần thấy rằng, sản lượng nuôi cá tra ở Indonesia không bao nhiêu, chế biến và xuất khẩu mặt hàng cá tra cũng không nhiều; vì vậy chi phí giá thành của Indonesia khá cao. Trong khi nghề nuôi cá tra ở Việt Nam phát triển rất mạnh trên nhiều mặt, người nuôi có tay nghề cao, nhà máy chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại… Nhờ đó, chi phí giá thành thấp. Điều này cho thấy, phía Mỹ lấy Indonesia mà áp cho cá tra ViệtNam là không hợp lý.
Phản đối và điều chỉnh thị trường xuất khẩu
Hiện các sản phẩm cá tra của Việt Nam được xuất khẩu sang 142 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ đóng vai trò rất quan trọng, chiếm hơn 20% về kim ngạch. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, các ngành chức năng đang phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng các luật sư phản đối quyết định trên; đề nghị DOC xem lại phán quyết chống bán phá giá quá cao bởi không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, người nuôi cá ở Việt Nam, mà người tiêu dùng Mỹ cũng khó khăn vì phải sử dụng cá tra philê giá cao. Vì vậy, chúng ta tiếp tục đấu tranh. Một trong những biện pháp đang được tính đến là khởi kiện DOC ra Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ về phán quyết trên, nếu thắng kiện mới hy vọng thay đổi mức tăng thuế.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng phân tích, mức thuế mà DOC áp cho Gò Đàng 1,81 USD/kg là quá cao, không thể nào chịu được. Nếu việc đấu tranh không thành công và mức thuế không thay đổi thì Gò Đàng chính thức rút lui khỏi thị trường Mỹ để chuyển sang thị trường truyền thống EU. Lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy sản Nam Việt cho biết, dù bị áp thuế 0,77 USD/kg, thấp hơn một số công ty khác, nhưng việc đưa sản phẩm cá tra philê sang Mỹ vẫn không hiệu quả. Vì vậy, phải chủ động đa dạng hóa thị trường nhằm tránh rủi ro. Hiện công ty chuyển sang thị trường châu Âu, châu Á, châu Phi, Nam Mỹ…
Điều này cho thấy, xu thế doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không thể vào Mỹ do bị đánh thuế cao, đành chuyển sang thị trường khác sẽ rất phổ biến trong thời gian tới. Những doanh nghiệp này khi đi chào hàng ở những thị trường mới buộc phải “giảm giá” để được “mối”. Vấn đề này vô tình sẽ tạo ra sự cạnh tranh nội bộ, bán phá giá lẫn nhau, tiếp tục gây khó cho cá tra. Ông Nguyễn Văn Đạo cảnh báo, đã hơn 2 năm qua người nuôi cá tra ở ĐBSCL thua lỗ do giá cá thấp; nay giá cá vẫn chưa lên được. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh nhau để giảm giá xuất khẩu, buộc lòng phải “đè” giá cá nguyên liệu xuống và người nuôi sẽ lãnh đủ. Chưa kể, đối tác nước ngoài lợi dụng cơ hội này để ép giá. Vì vậy, cần phải bình tĩnh xử lý nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá cá tra ở mức rất cao thì đầu ra của con cá tra sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người nông dân cần tính tới chuyện liên kết sản xuất, vừa hạ giá thành vừa ổn định đầu ra do có doanh nghiệp bao tiêu với giá sàn nhất định. Còn không thì buộc phải chuyển sang nuôi đối tượng khác để tránh rủi ro. Các doanh nghiệp cũng cần mở rộng xúc tiến thương mại ở các thị trường khác, tránh tình trạng quá lệ thuộc vào thị trường Mỹ, rất dễ gặp rủi ro khi nước này áp dụng các rào cản thương mại để bảo vệ các nhà sản xất trong nước, mà điển hình là thuế chống bán phá giá.
Các nhà chuyên môn cho rằng, ngoài những doanh nghiệp bị áp thuế cao lần này thì vẫn còn khoảng 8 doanh nghiệp chịu mức thuế thấp từ 0-0,03 USD/kg khi xuất khẩu cá tra philê vào thị trường Mỹ, bởi những doanh nghiệp này không xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn điều tra trên. Do đó, những công ty được hưởng thuế suất thấp vẫn xuất khẩu cá tra sang Mỹ bình thường. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh bị áp thuế cao trong thời gian tới. Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Mỹ, các ngành chức năng Việt Nam đang tích cực làm việc với DOC về phán quyết POR8; đồng thời chuẩn bị cho lần POR9 sắp tới nhằm tránh trường hợp bị áp thuế cao tương tự xảy ra.
VASEP cũng vừa ra thông cáo báo chí phản đối Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng cho đợt xem xét hành chính lần 08, tăng thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. VASEP rất bất bình việc này và sẽ thực hiện biện pháp bảo vệ ngành cá tra thông qua các hoạt động pháp lý yêu cầu DOC sửa đúng lại quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 08 theo luật pháp Mỹ, cũng như các thỏa thuận của WTO. Trong 8 năm liên tiếp, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam.
Vì vậy, DOC phải thực hiện nhất quán việc sử dụng Bangladesh, chứ không thể chọn Indonesia như lần này; bởi Indonesia cũng chỉ là nước nhập khẩu ròng cá tra đông lạnh từ Việt Nam, mà không xuất khẩu cá tra ra thế giới. Theo VASEP, quyết định này của DOC sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ. VASEP yêu cầu DOC xem xét lại quyết định cuối cùng sao cho đúng và hợp lý như tại quyết định sơ bộ vào tháng 9-2012.
Related news
Nhìn chiếc máy trồng mía 2 hàng đang chạy đều tại đám đất bên cạnh, lão nông Võ Văn Hùng (43 tuổi) ở Phổ Phong không khỏi vui sướng: Chẳng bao lâu nữa thì không chỉ người trồng mía ở Đức Phổ, mà các vùng khác trong tỉnh sẽ quên đi nỗi ám ảnh về chuyện tìm không ra nhân công mỗi khi bước vào vụ mới.
Theo hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức trên dưới 23.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với cách nay hai tuần. Với mức giá này, theo tính toán, người nuôi cá tra vẫn bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg.
Mạnh dạn nhận thầu 3ha đất hoang hóa nhiễm phèn để đào ao nuôi tôm, sau 10 năm, giờ đây trung bình mỗi năm gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng (xóm 4, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bỏ túi hàng trăm triệu đồng.