Điêu Đứng Vì Gừng

Hàng trăm hộ dân trồng gừng tại Tiền Giang đang đứng ngồi không yên vì giá xuống thấp, bán không ai mua.
Bán lỗ vẫn không ai mua
Sau vụ gừng trúng đậm vào tháng 3 (âm lịch) năm ngoái, bà con nông dân huyện Gò Công Đông, Tiền Giang ồ ạt mở rộng diện tích lên rất nhanh. Vào thời điểm đó, giá gừng giống tăng lên rất mạnh, có lúc đạt 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sang vụ thu hoạch năm nay, cả làng trồng gừng tại huyện Gò Công Đông đều ngao ngán do giá xuống quá thấp, bán không ai mua. Thậm chí nếu có bán được cũng không đủ bù vào tiền mua gừng giống hồi đầu vụ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, một hộ nông dân trồng 4 công gừng (4.000 m2) tại ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện giá gừng loại tốt chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg nhưng bán cũng không ai mua. So với năm ngoái, hiện mỗi kí lô gam gừng bà còn mất khoảng 25.000-26.000 đồng.
“Tôi dám cam đoan với chú, vụ gừng năm nay nếu như có 100 hộ trồng thì chắc chắn sẽ có 100 hộ lỗ nặng, không một hộ nào huề vốn nỗi nữa chứ nói chi là có lãi. Tôi trồng gừng này đã 20 năm rồi nhưng chưa năm nào xảy ra tình trạng giá xuống thấp như thế này, dù kêu bán lỗ nhưng cũng chẳng một thương lái nào đến mua cả” - ông Trương Văn Hoàng chồng của bà Tuyết quả quyết.
Theo tính toán của bà Tuyết, chỉ riêng tiền gừng giống bà con nông dân phải bỏ ra ít nhất từ 3-4 triệu đồng (tùy vào trồng dày hay thưa), nếu tính cả tiền công vun đất, phân thuốc các thứ…, ít nhất bà con phải bỏ ra 5-6 triệu đồng/công. Nhưng vụ gừng năm nay mỗi công bán nhiều lắm cũng chỉ 2 triệu đồng thôi, tức chưa đủ bù vào tiền gừng giống.
Bà con trồng gừng cho biết, dù giá gừng đã xuống rất thấp nhưng kêu bán cũng không ai thèm đến xem mua. Chị Đoàn Thị Nhỏ, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết: “Nửa tháng nay, tôi kêu bán gừng nhưng không có một lái nào xuống xem hết, họ (thương lái) nói hiện gừng không có nơi tiêu thụ nên không mua. Hộ nào quen biết với thương lái dữ lắm họ mới chịu mua nhưng phải chở đến nơi mới lấy”.
Hên xui vụ mới
Dù giá gừng xuống thấp, bán như cho cũng không ai mua nhưng bà con nông dân vẫn trồng tiếp với hy vọng giá sẽ khá hơn năm nay bởi theo bà con nông dân “không trồng gừng chẳng lẽ phải bỏ đất hoang”. Chị Đoàn Thị Nhỏ cho biết: “Trồng cây màu hay trồng gừng này cũng vậy, hên xui thôi, hên nhờ xui thì chịu. Nói thì nói vậy, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng vụ gừng năm sau sẽ đỡ hơn, chứ tình trạng này mà kéo dài chắc chúng tôi không sống nổi đâu”.
Dù bị lỗ khá nặng trong vụ gừng vừa rồi nhưng theo ông Trương Văn Hoàng, hiện đang chuẩn bị đất chờ có mưa là xuống giống tiếp 4 công gừng. Ông Hoàng nói: “Để xuống giống vụ này, tôi đã trữ lại 1 tấn gừng giống rồi đó. Nhưng nói thiệt, trồng thì trồng vậy thôi chứ cũng năm ăn năm thua thôi”.
Bà Nguyễn Thị Hai, ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông cho biết, vụ năm nay bà sẽ tiếp tục xuống giống 1.200 m2 gừng, dù vụ vừa rồi bà cũng chung số phận lỗ lã như nhiều hộ dân khác trong khu vực. Dẫn chúng tôi đi xem đống gừng chưa bán được, bà nói: “Gừng vụ vừa rồi của tôi còn chất một đống trong nhà vậy đó nhưng mưa xuống là trồng nữa đó, không trồng gừng thì trồng gì bây giờ”.
Related news

Tháng 4 năm 2011, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên (An Giang) triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển dược liệu vùng núi Cấm” trên diện tích 5 héc-ta (gồm 3 loài cây: Nghệ xà cừ, đinh lăng và xuyên tâm liên), với tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ đồng do Bộ Khoa học – Công nghệ tài trợ trên 1,260 tỷ đồng và phần còn lại là vốn đối ứng của chủ dự án.

Những năm gần đây chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đã được nhiều hộ nông dân ở khu vực lòng chảo huyện Điện Biên quan tâm đầu tư, mở rộng và từng bước nhân rộng ra nhiều nơi.

Ông Lý Hồng Hởi (Bảy Hởi) ở ấp Lợi Hoà (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến với nghề nuôi rắn và nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm khác như: dúi, nhím, cua đinh… tuy nhiên, hiện nay, bầy rắn sinh sản của ông Bảy Hởi mới là những cái “máy in tiền” cho ông khi ông cho sản xuất và kinh doanh con giống rắn.