Cá Chép, Cá Trắm Nuôi Bằng Đậu Tằm Trở Thành Cá Giòn?
Dư luận đang chờ đợi sự lý giải khoa học: cá chép, cá trắm cho ăn đậu tằm và trở thành cá giòn là vì sao?
Thời gian gần đây, một món ăn được khá nhiều người yêu thích tại các nhà hàng, quán ăn là cá chép, cá trắm giòn. Giá cả không rẻ nhưng cũng không quá cao, lại có vị ngon và lạ nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền túi ra để được “thưởng thức”. Tuy nhiên, đây là loại cá được nuôi bằng một loại thức ăn “đặc biệt” và đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào cho thấy: ăn cá này có tốt cho sức khỏe hay không? Bởi vậy, dư luận vẫn đang chờ sự lên tiếng chính thức của các nhà khoa học.
Vài năm trở lại đây, cá chép, cá trắm giòn trở thành một món ăn “khoái khẩu” của những người thích đi nhậu, những người thường xuyên đi ăn nhà hàng. Nguyên do là bởi cá có vị ngọt của tôm và độ dai của thịt lợn. Nếu so với cá chép, cá trắm sông hay cá nuôi thì loại có này có vị ngon vượt trội và rất thơm, đặc biệt, cá không còn vị tanh mà lại giòn tan, hấp dẫn.
Có cầu thì ăn có cung. Ngay lập tức, các tụ điểm nuôi cá chép, cá trắm giòn liên tiếp hình thành: Văn Giang - Hưng Yên, Kiêu Kỵ - Gia Lâm hay Thường Tín - Hà Nội, Nam Sách - Hải Dương… Việc hình thành các điểm nuôi này còn là bởi cá chép, cá trắm giòn có giá cao gấp 3 - 4 lần so với cá chép, cá trắm thông thường.
Nhưng điều đáng nói chính là ở công nghệ nuôi loại cá này: khoảng 3 - 5 tháng trước khi thu hoạch, cá được cho ăn một loại đậu có tên là đậu tằm hay còn gọi là đậu ván đỏ - một loại đậu nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhờ vậy, da thịt cá trở nên săn chắc và khi ăn có độ giòn và hương vị đặc biệt như vừa nêu.
Theo ý kiến của các chuyên gia: đậu tằm chỉ có tác dụng hỗ trợ men tiêu hóa cho cá, chứ không thể làm cho thịt cá giòn và dai hơn. Vậy vì sao từ một loại cá chép, cá trắm bình thường, sau khi cho ăn đậu tằm lại trở thành cá giòn như vậy? Câu hỏi này được đem đi hỏi nhiều nhà khoa học. Nhưng câu trả lời hầu hết đều là: chúng tôi đã được “thưởng thức” loại cá giòn này, nhưng vì sao thì phải đợi các kết quả nghiên cứu.
Câu trả lời có hướng mở duy nhất là của ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng sinh học thực nghiệm - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Ông Tiến cho biết, là ông mới chỉ hướng dẫn một đề tài thạc sỹ về nuôi cá chép, trắm bằng đậu tằm và thời gian tới, ông sẽ đề xuất với lãnh đạo xin thực hiện đề tài khoa học chính thức về việc nuôi cá giòn.
Vậy cá giòn có nguồn gốc từ đâu? Ban đầu, đây là loại cá giòn được nhập khẩu từ Liên bang Nga và Hungary. Sau đó, một số hộ chăn nuôi đã sáng tạo bằng cách lai tại giống cá giòn nhập khẩu từ châu Âu với cá trắm Việt Nam và hiện nay, sự sáng tạo lên đến độ tài tình là cho cá chép và cá trắm Việt Nam ăn đậu tằm để trở thành “cá giòn”.
Vấn đề đặt ra ở đây là: lâu nay người nông dân Việt Nam vẫn nuôi trồng thủy, hải sản theo hình thức tự phát, bởi vậy, đa số các hộ đều nuôi theo phong trào, khi thất bại thì người nông dân hoàn toàn gánh chịu. Vậy trách nhiệm của các nhà quản lý và các nhà khoa học ở đâu?
Các nhà quản lý ở đây chính là Chi Cục thủy sản các địa phương, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Người tiêu dùng và các hộ chăn nuôi đang chờ đợi câu lời chính thức từ các cơ quan này.
Mặt khác, dư luận cũng đang chờ đợi một sự lên tiếng chính thức của các nhà khoa học: cá chép, cá trắm thường, cho ăn đậu tằm và trở thành cá giòn là vì sao? Hạt đậu tằm có tác dụng làm cho cá chép, cá trắm thường trở thành cá giòn hay không? Ăn loại cá này có hại có sức khỏe hay không? Có lẽ câu chuyện về loại cá chép, cá trắm giòn cũng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Cần một sự quản lý, cần một sự lên tiếng đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học.
Có thể bạn quan tâm
Sau những thành công bước đầu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đưa vào nuôi thử nghiệm Ngao hoa và Vẹm xanh – hai loài nhuyễn thể tự nhiên có giá trị kinh tế cao, khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt tốt hơn.
Sau nhiều năm nuôi gà và lợn không thành công, ông Ngô Đình Sáu (thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) chuyển sang nuôi bồ câu lồng.
Cũng như nhiều hộ dân khác ở ấp 2, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành trước đây chỉ chuyên canh cây lúa. Đến năm 2011, Chi bộ ấp 2 vận động triển khai thực hiện mô hình trồng sen, đồng thời được chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành đã tham gia thực hiện mô hình xen canh lúa sen với diện tích 7.000 m2.