Nuôi Rắn Lãi Trên 100 Triệu Đồng/tháng

Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn.
Năm 2010, sau nhiều năm mở quán nhậu tích cóp được một số vốn kha khá, anh Khánh mở trang trại nuôi rắn. Sau khi có được giấy phép của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tịnh (anh xây dựng trang trại ở huyện Sơn Tịnh), anh mua 15 cặp rắn hổ mang và 25 cặp rắn hổ trâu bố mẹ với giá gần 90 triệu đồng về nuôi. Sau 4 tháng thả nuôi, rắn đã bắt đầu đẻ trứng.
Đàn rắn ngày càng nhiều, anh phải mở rộng diện tích nuôi từ 400m2 lên 800m2, chia thành 150 ô nhỏ. Mỗi ô anh thả nuôi từ 10- 15 con. Sau 75 ngày ấp, trứng rắn bắt đầu nở. Sau 12 tháng nuôi, rắn đạt trọng lượng từ 1-1,2kg.
Nói về công việc nuôi rắn độc của mình, anh Khánh chia sẻ: “Nghề nuôi rắn độc tuy mới nghe qua nhiều người đã lắc đầu nhưng thực ra nuôi rắn độc lại không quá khó, vì được thuần dưỡng nên chúng rất ít khi tấn công người nuôi, lại rất ít khi dịch bệnh. Thức ăn của rắn là chuột, ếch, nhái nên cũng dễ tìm, hoặc cũng có thể mua”.
Sau 3 năm thả nuôi, hiện tại trang trại của anh đã có hơn 100 con rắn bố mẹ, 500 rắn thương phẩm (đạt trọng lượng từ 1-2,7kg), 500 con rắn con. Trung bình mỗi ngày, quán nhậu của anh Khánh tiêu thụ từ 4 - 5kg rắn thương phẩm. Với giá bán trên thị trường là rắn hổ mang 800.000 đồng/kg, rắn hổ trâu 1,2 triệu đồng/kg, mỗi ngày anh thu lãi 4 triệu đồng từ các món ăn được chế biến từ rắn do mình tự nuôi.
Mọi người có thể học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn của anh Khánh qua địa chỉ: Nguyễn Văn Khánh - tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi. Điện thoại: 0989.229.964
Có thể bạn quan tâm

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng dự báo trong tháng 3/2013 với nhiệt độ ban ngày cao, ban đêm xuống thấp, ẩm độ cao... sẽ dễ xuất hiện bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng trên hầu hết diện tích cao su của tỉnh Lâm Đồng và có nguy cơ phát triển thành dịch. “Thủ phạm” chính gây bệnh được xác định là do nấm Oidium Haver Hypomyces.

Trước nguy cơ cây xạ đen bị khai thác cạn kiệt ở những khu rừng già, trong xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau nhiều năm canh tác trên các thửa ruộng khô nước, ông Sơn quyết định làm lễ "kết duyên" cây xạ đen với mảnh đất quê mình.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi con đặc sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trên địa bàn huyện Đan Phượng.