Bùng Phát Bệnh Đốm Trắng Cây Thanh Long
Bệnh đốm trắng đang có chiều hướng lan rộng trên cây thanh long ở Bình Thuận, vì thế không ít nhà vườn bị thất thu, dù giá trái cao hơn mọi năm.
Như nhiều hộ khác, vườn thanh long nhà chị Nguyễn Thị Hồng ở khu phố 1, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc bỏ không ít chi phí đầu tư, mồ hôi công sức... nhưng vụ vừa qua đã trắng tay vì cây bị bệnh đốm trắng.
Chị Hồng than vãn: “Gia đình tôi có 500 trụ thanh long tơ, vụ mùa ra bông rất nhiều. Tôi tưởng chừng sẽ có nguồn thu lớn, vì giá trái rất cao, từ 8.000 - 10.000 đ/kg nhưng không ngờ bệnh đốm trắng làm trái thối sạch. Vì vậy cả vườn nhà tôi chỉ thu được hơn 1 tấn trái nhưng đều nhiễm nấm, phải bán rẻ như bèo, không đủ chi phí mua thuốc phun xịt”.
Theo chị, lúc đầu bệnh này chỉ xuất hiện trên những cành già có chấm hình tròn bằng đồng xu, một số cành non cũng có nhiều đốm chấm, sau đó chuyển sang màu vàng xám làm cành bị thối. Không chỉ gây hư cành, bệnh này còn lan xuống trái, nếu mức độ nhẹ thì trên trái có những đốm chấm, nổi sần như da con tắc kè (người dân hay gọi là nấm tắc kè), còn nặng hơn thì làm thối trái.
Hơn nữa bệnh này có tốc độ lây lan rất nhanh, nếu không phun thuốc BVTV kịp thời thì sẽ lan sang những trụ kế tiếp. Điều đáng lưu ý là mặc dù chị Hồng thường xuyên chặt bỏ những cành mắc bệnh, phun rất nhiều loại thuốc BVTV, mỗi lần phun mất khoảng 300.000 đồng, định kỳ 7 - 10 ngày là phun, nhưng không thể khắc phục.
Tương tự, vườn thanh long của hộ anh Dân Thanh ở khu phố Lâm Giáo, thị trấn Ma Lâm cũng bị "dính" bệnh đốm trắng. "Gia đình tôi có 300 trụ thanh long. Cách đây 2 tháng, bệnh nấm hại cành chỉ xuất hiện có vài trụ nên tôi không chú ý, nay hầu như lan rộng cả vườn. Dù đã đầu tư cả máy phun xịt, mua các loại thuốc đặc trị bệnh nấm, phun nhiều lần nhưng không cứu vãn nổi", anh Thanh nói.
Theo Chi cục BVTV Bình Thuận, diện tích thanh long trong tỉnh bị nhiễm bệnh đốm trắng hại cành và quả lên đến 252 ha, tập trung rải rác ở các huyện. Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh để dùng thuốc đặc trị. Bệnh thường gây hại ở những vườn nhiều cỏ, độ pH trong gốc cây thấp, bộ rễ kém phát triển... Đây có thể là một bệnh do sinh lý thực vật gây ra, tác nhân chủ yếu do chế độ canh tác.
Trong khi chờ kết quả giám định mẫu bệnh, Chi cục đưa ra một số giải pháp khắc phục như dọn sạch cỏ vườn thanh long, thu gom cành, trái bị hư hỏng ra khỏi vườn. Phun thuốc Agri-life, Actinovate khoảng 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Tăng cường bón phân lân và kali, hạn chế bón đạm và thuốc kích thích sinh trưởng...
Related news
Trạm Giống gia súc Long Mỹ (TGGSLM - tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã chọn lọc, nhân giống và bảo tồn đàn giống vật nuôi gốc của tỉnh; tổ chức du nhập, nuôi khảo nghiệm, cung ứng các giống vật nuôi mới, năng suất cao, cùng với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Những ngày này, người dân ương cá tra giống ở 2 xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang khóc dở, mếu dở vì cá tra giống. Cá giống đã quá lứa nhưng bán giá rẻ cũng chẳng ai mua. Viễn cảnh phá sản, nợ nần chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người dân.
Châu Thành (Tiền Giang) có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12.000 ha, trong đó có 1.600 ha cây sapô. Trong đó, Kim Sơn là xã trồng nhiều nhất gần 600 ha. Thời gian gần đây, cây sapô "Mặc Bắc" Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.