Biện Pháp Quản Lý Bệnh Thối Rễ, Chết Cành Mãng Cầu Xiêm Ở Huyện Tân Phú Đông
Vừa qua, Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài "Biện pháp quản lý bệnh thối rễ, chết cành mãng cầu xiêm ở huyện Tân Phú Đông", đề tài do ThS. Đặng Thùy Linh làm Chủ nhiệm, Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì, với mục tiêu xác định tác nhân gây bệnh thối rễ, chết cành của cây mãng cầu xiêm, từ đó tìm ra biện pháp phòng trừ tổng hợp thích hợp, hiệu quả.
Sau 2 năm thực hiện trên 100 hộ tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh với tổng diện tích 401.100m2, nhóm nghiên cứu ghi nhận có 57% vườn bị bệnh thối rễ với chỉ số bệnh trung bình 14% và 31% vườn bị bệnh chết cành với chỉ số bệnh trung bình 3,4%. Bệnh thối rễ, chết cành cây mãng cầu xiêm được nhóm nghiên cứu xác định là do sự kết hợp của nhiều tác nhân gây bệnh. Trong đó, bệnh thối rễ là do sự kết hợp giữa nấm Calonectria variabillis và tuyến trùng Pratylenchus sp...
Khi có sự xuất hiện đồng thời của tuyến trùng Pratylenchus spp. và nấm, bệnh thối rễ xảy ra nặng hơn. Ngoài ra, cũng còn có một số tác nhân không sinh học là lạm dụng thuốc làm chín trái (hoạt chất ethaphon) khai thác tối đa, triệt để trái trên cây...; nấm Diaporthe phaseolorum gây chết nhánh, cành nhỏ của cây mãng cầu xiêm và nấm Lasiodiplodia pseudotheobromae gây chết nhánh, loét cành và thân cây mãng cầu xiêm.
Cây bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng kém dần, cây suy yếu còi cọc. Lá vàng nhợt nhạt, lá già bị vàng, sau đó héo úa và rụng dần trên một số hay phần lớn các cành, dẫn đến hiện tượng bị trơ cành, chết nhánh và thương tổn thân. Rễ tơ và rễ cái đều bị hoại tử, biểu hiện thường thấy là thối đen lốm đốm phần vỏ rễ trước và lan sâu. Phần rễ cái bị thối đen, kèm theo là các vết nứt theo chiều dọc của rễ, sau đó vết bệnh lan rộng dần ra toàn hệ thống rễ.
Bệnh chết cành, lá bị héo vàng, rụng trơ cành và gây chết những cành nhỏ bên ngoài ngọn cành, sau đó bệnh lan dần và tấn công ngược vào cành chính, gây chết những cành lớn hơn. Trên bề mặt cành bị bệnh xuất hiện đầy những hạt nhỏ li ti màu nâu đen, đó là quả thể hay bào tử nấm gây bệnh.
Triệu chứng loét cành và thân cây, có vết bệnh hơi lõm xuống, sau đó vết bệnh lớn dần, bề mặt vỏ cành (chỗ lõm) nứt dọc, vỏ cây bị bong ra, bề mặt vết bệnh hóa bần. Vệt màu nâu ở các vùng dẫn có thể nhìn thấy khi tách cành cây theo chiều dọc.
Ở điều kiện vườn mãng cầu xiêm, các nghiệm thức thuốc Funomyl, ViCarben cho hiệu quả phòng trị nấm gây bệnh thối rễ cao, chỉ số bệnh giảm từ 50% xuống còn 25% tại thời điểm 60 ngày sau xử lý lần 5. Hay nghiệm thức thuốc Nokaph cho hiệu quả phòng trị tuyến trùng Pratylenchus sp. cao nhất, kế đến là các nghiệm thức thuốc Maplogic, Cazinon, Regent và Oncol.
Khi sử dụng kết hợp thuốc hóa học, phân hữu cơ và nấm đối kháng (các nghiệm thức Funomyl- Viarben- Funomyl; ViCarbendarzim- Dynamic + Trichoderma; Funomyl- ViCarben- Dynamic + Trichoderma) cho hiệu quả tốt hơn so với các nghiệm thức khác (Dynamic + Trichoderma + Dynamic cho hiệu quả rất kém).
Khi thực hiện thí nghiệm phòng trị tổng hợp bệnh thối rễ, chết cành, tất cả các nghiệm thức xử lý thuốc (Agri- Fos + Nokaph + Topsin, Agri- Fos + Nokaph + Funomyl, Agri- Fos + Nokaph + Carbendarzim và Agri- Fos + Nokaph + Folicur) cho thấy hiệu quả rất tốt (chỉ số bệnh giảm còn 15% - 20%) so với nghiệm thức đối chứng (chỉ số bệnh 65%) tại thời điểm 60 ngày sau xử lý lần 4. Ngoài ra, mật số tuyến trùng Pratylenchus sp. trong đất và rễ ở các nghiệm thức xử lý thuốc giảm đáng kể so với trước khi xử lý hay đối chứng không xử lý thuốc.
Bên cạnh đó, nhóm thực hiện cũng xây dựng được quy trình quản lý tổng hợp bệnh thối rễ cây mãng cầu xiêm ở huyện Tân Phú Đông. Đề tài được Hội đồng thống nhất nghiệm thu, đánh giá xếp loại B và giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông ứng dụng và phổ biến cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Giống B-TE1 có xuất xứ từ đâu và được các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào?