Vui Mùa Đu Đủ Ở Mỹ Phong (Bình Định):
Từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch) là vào mùa thu hoạch đu đủ ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Những ngày này, nông dân trong xã tấp nập thu hái đu đủ và đưa sản phẩm đến bán ở các điểm thu mua của thương lái dọc theo quốc lộ 1A trên địa bàn xã.
Cây đu đủ dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ cần chân đất tơi xốp, giàu chất hữu cơ và có độ ẩm thích hợp, có mương rãnh thoát nước vào mùa mưa. Toàn xã có trên 400 ha đất có điều kiện trồng xen cây đu đủ với một số cây trồng cạn như đậu, bắp… Giống đu đủ lùn có tuổi thọ gần 2 năm, thu nhiều lứa, mỗi lứa 30 - 40 quả, cả năm thu hoạch hàng trăm quả.
Quả đu đủ xanh thì nấu canh, làm gỏi, dưa chua; quả chín thì ăn tươi hoặc làm sinh tố…, đầu ra sản phẩm dễ dàng, nên cây đu đủ được hầu hết người dân Mỹ Phong trồng ở vườn nhà, vườn đồi, trên rẫy, nhiều nhất ở thôn Gia Hội, thôn Văn Trường Tây... Theo bà Đặng Thị Hồng, ở thôn Vĩnh Bình- Mỹ Phong, thương lái buôn đu đủ, mỗi ngày, bà mua bình quân 600 - 700kg, có ngày gần cả tấn, đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Bác Nguyễn Văn Hay (thôn Gia Hội) cho hay: “Tôi trồng đu đủ quanh nhà, lúc đầu trồng để ăn, nhưng mấy năm nay quả đu đủ bán được giá cao và ổn định, tui trồng thêm gần 50 gốc, hái bán 30 - 40 kg/ngày, cũng được cả trăm ngàn, thừa tiền đi chợ”.
Mùa đu đủ này, nông dân Mỹ Phong rất vui vì đu đủ được mùa, được giá. Bên cạnh đó, từ mùa đu đủ đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, như mua gom, lựa, đóng bao bì, vận chuyển..., thu nhập bình quân ngày công cũng được 70 - 80.000 đồng.
Có thể bạn quan tâm
Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với ngư dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, trong đó có xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Tuy nhiên, chi phí đầu tư để nuôi ốc hương rất lớn, trong khi nghề nuôi ốc hương rất bấp bênh.
Trước nhu cầu phát triển cây nhãn, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh Hưng Yên đã hai lần phê duyệt dự án "nhãn lồng" nhưng đến nay chưa được cấp kinh phí để triển khai. Và dự án vẫn nằm trên giấy...
Chỉ vài năm trước, người dân xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phải đạp xe khắp nơi kiếm sống, nhưng giờ không ít người đã thành ông chủ có cỡ ngồi ôtô đời mới nhờ ươm trồng và bán cây cảnh.