Biến đồi hoang thành trang trại trù phú
Sau 5 năm mướt mồ hôi cải tạo, vợ chồng anh Ngô Đức Dung ở xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã “biến” khu đồi hoang sỏi đá thành trang trại trù phú với doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Ngô Đức Dung cho hay, ban đầu vợ chồng anh bỏ sức cải tạo khu đồi hoang cũng chỉ mong trồng dăm ba loại cây lương thực, kết hợp trồng cây ăn quả. Nhưng sau vài năm khai phá, vợ chồng anh nhận thấy mảnh đất này có nhiều lợi thế để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.
Trong ảnh: Nông dân trẻ Ngô Đức Dung đang chăm sóc vườn chanh trong trang trại. Ảnh: P.H
Với gần hơn 3ha đất khai phá được, anh Dung đã trồng cây bạch đàn, keo lá tràm trên khu đất cao nhất vừa có thu nhập, vừa chống sạt lở đất. Tầng kế tiếp anh trồng chanh và cam. Ở vùng đất thấp hơn, vợ chồng anh Dung xây dựng trang trại chăn nuôi.
Số bò anh gây dựng lúc đầu chỉ 10 con vào năm 2012, đến nay đàn bò đã lên đến gần 40 con. Nhờ địa hình rộng rãi, thoáng, cùng với bò sinh sản, anh Dung còn đầu tư nuôi thêm gà ta thả vườn. Trang trại luôn duy trì đàn gà hơn 500 con, trong đó có 200 gà mái đẻ. Cùng với khu chuồng bò, gà là hệ thống ao nuôi cá, vườn cây ăn quả như ổi, chanh, cam…
Với những thành tích nổi bật trong cải tạo đất hoang hóa, khô cằn thành trang trại xanh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh Ngô Đức Dung đã được UBND xã Nghi Công Nam tặng giấy khen thanh niên tiêu biểu có mô hình sản xuất kinh tế giỏi.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 1, xã Nghi Công Nam cho biết: “Trong khi nhiều thanh niên nông thôn muốn bỏ quê về thành phố kiếm việc thì Ngô Đức Dung là tấm gương nông dân trẻ dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu trên chính quê hương. Nông thôn đang rất cần những nông dân trẻ năng động như Ngô Đức Dung...”. Vợ chồng Dung trở thành niềm cảm hứng cho nhiều cặp vợ chồng trẻ ở địa phương trong phong trào vươn lên làm giàu. Điển hình là ở xã Nghi Công Nam hiện đã có thêm 5 hộ khác đã vào khu đồi hoang sỏi đá để lập nghiệp.
Related news
Nhiều địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Kết quả mô hình cũng cho thấy mức đầu tư thấp hơn so với ruộng sử dụng các loại phân đơn thường (đạm, lân, kali), do vậy tăng thu nhập cho người nông dân.
Từ các hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, những hộ trồng rừng thôn Lem đã liên kết với nhau thành tổ hợp tác liên kết sản xuất rừng.