Dùng phân bón DAP Lào Cai: Năng suất lúa tăng, nhà nông thêm thu nhập
Kết quả mô hình cũng cho thấy mức đầu tư thấp hơn so với ruộng sử dụng các loại phân đơn thường (đạm, lân, kali), do vậy tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong ảnh: Mô hình sử dụng phân bón DAP cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng sử dụng phân bón đơn khoảng 3 tạ/ha. Ảnh: I.T
Nông dân sử dụng quy trình bón phân DAP
Thực hiện chỉ đạo của Sở NNPTNT Lào Cai về xây dựng mô hình trình diễn, khảo nghiệm các tiến bộ kỹ thuật mới, vụ hè thu năm 2016, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Ngọc Linh xây dựng mô hình trình diễn phân bón DAP trên cây lúa.
Bà Nguyễn Thị Thơm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai cho biết: “Mô hình này được triển khai nhằm chuyển giao quy trình sử dụng phân bón DAP cho các hộ nông dân để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa phân bón, sâu bệnh hại, năng suất và chất lượng sản phẩm; đánh giá hiệu quả tác động của phân bón đến quá trình sinh trưởng, phát triển và khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất của cây lúa. Qua mô hình cũng tuyên truyề n, hướng dẫn, giới thiệu và quảng bá sản phẩm phân bón DAP Lào Cai tới người sản xuất nhằm nâng cao biện pháp canh tác, góp phần cải thiện môi trường, dinh dưỡng trong đất và tăng giá trị thu nhập cho bà con nông dân trong vùng sản xuất lúa của các địa phương”.
Mô hình được triển khai tại thôn Én 3, đây là thôn có diện tích lúa tập trung và thuận lợi về giao thông đi lại để tổ chức cho nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng ra địa bàn khác trong các vụ tiếp theo; đồng thời đã bình chọn được 5 hộ điển hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp của địa phương tham gia. Mô hình sử dụng bón phân DAP cây lúa đẻ nhánh tập trung hơn, số dảnh hữu hiệu đạt cao, hầu hết các dảnh lúa đều có bông hữu hiệu (7/8 dảnh); chiều cao cây trung bình của ruộng mô hình là 115cm, tuy cao hơn ruộng đối chứng nhưng do cây cứng, bộ lá xanh đặc trưng, dày và cứng giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, đồng thời tăng khả năng quang hợp tích lũy chất khô - đây là yếu tố cấu thành tăng năng suất sau này.
Các loại bệnh hại như khô vằn, bạc lá, hoa cúc và các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá và các loại rầy chỉ xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng cũng như cho năng suất.
Năng suất cao, chi phí giảm
Đánh giá mô hình này, bà Đào Thị Kim Chung - Phòng Thị trường Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem cho biết: “Qua theo dõi cho thấy, mô hình sử dụng phân bón DAP cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng sử dụng phân bón đơn khoảng 3 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động), giá trị sản xuất thu được tại ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 6.445.000 đồng”.
Theo ông Đồng Văn Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem: “Quá trình triển khai mô hình được sự quan tâm phối hợp thường xuyên, kịp thời của UBND huyện Văn Bàn; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông Lào Cai, Công ty CP DAP số 2 Vinachem, Công ty TNHH TMTH Ngọc Linh, các ban ngành đoàn thể của huyện, đặc biệt là UBND xã Khánh Yên Trung trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện. Các hộ tham gia mô hình trách nhiệm, nhiệt tình và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Mô hình sử dụng phân bón DAP, đây là sản phẩm mới của Công ty Cổ phần DAP số 2 -Vinachem. Qua theo dõi cho thấy cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung, có bộ lá xanh sáng, dầy khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh khá (nhất là sâu cuốn lá nhỏ), tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, hạt lúa chắc mẩy có màu vàng sáng đẹp. Mức đầu tư thấp hơn so với ruộng sử dụng các loại phân đơn thường (đạm, lân, kali) do vậy giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người nông dân”.
Qua thực tế triển khai mô hình sử dụng phân bón DAP trong canh tác lúa cho thấy đây là một tiến bộ kỹ thuật mới, lần đầu được nông dân sử dụng. Theo dõi cho thấy cây lúa sinh trưởng, phát triển cân đối, đồng đều ngay từ giai đoạn đầu, do đó tăng khả năng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại; tiết kiệm công lao động, giảm mức chi phí đầu tư mua phân bón, góp phần tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Related news
Anh Lê Đình Quả và vợ là Lê Thị Thanh Thuỷ khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định trở về quê (xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) trồng rau.
Thành lập năm 2011 với 20 thành viên, trong đó có 7 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo, đến nay các thành viên trong tổ nghề nghiệp chuyên nuôi bò đều đã thoát nghèo
Nhiều địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.