Prices / Mô hình kinh tế

Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ

Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ
Author: 
Publish date: Wednesday. May 16th, 2012

Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với ngư dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, trong đó có xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Tuy nhiên, chi phí đầu tư để nuôi ốc hương rất lớn, trong khi nghề nuôi ốc hương rất bấp bênh.

Chi phí cao, dễ mất trắng

Tại vùng đìa thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, sau phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, phong trào nuôi ốc hương đã rộ lên từ năm 2007 nhờ dễ nuôi, ít dịch bệnh. Ông Đỗ Công Tân - cán bộ Quản lý nông nghiệp xã Ninh Thọ cho biết: “Ốc hương là động vật thân mềm có giá trị kinh tế cao, sống chủ yếu ở môi trường có nền đáy là cát. Thức ăn ưa thích của chúng là động vật thân mềm, nhuyễn thể, cá tạp… Ốc hương ưa những vùng nước có độ mặn cao, nhiệt độ thích hợp từ 26 - 28 độ C, độ pH từ 6 - 9, môi trường nước nuôi ốc phải luôn sạch”. Được biết, ốc hương thương phẩm chủ yếu được người dân xã Ninh Thọ thả nuôi trong vụ chính từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, bởi thời điểm này các yếu tố thời tiết và môi trường thích hợp cho sự phát triển của ốc. Vụ phụ được nuôi từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, người dân thường ít nuôi bởi đây là thời điểm thường xảy ra bão lũ, ốc rất dễ chết.

Nghề nuôi ốc hương mang lại lợi nhuận cao, không chiếm nhiều diện tích, thời gian nuôi (khoảng 5 - 6 tháng) ngắn hơn so với các loại thủy sản khác như: tôm hùm, cá mú (khoảng 14 tháng). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, người nuôi ốc hương ở xã Ninh Thọ: “Chi phí đầu tư nuôi ốc rất lớn. Để thả nuôi 3,2 triệu con ốc hương trên 8 ao nuôi có diện tích 4 ha, chúng tôi phải đầu tư 240 triệu đồng để chuẩn bị ao nuôi, gần 500 triệu đồng để mua con giống, hơn 800 triệu đồng mua thức ăn cho ốc từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi thu hoạch”.

Chi phí đầu tư cao, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn, độ mặn trong đìa giảm xuống, ốc sẽ chết sạch, người nuôi trắng tay. Anh Lê Thanh Dũng, một người nuôi ốc trong xã cho biết: “Ngoài nước “bạc” (tỷ lệ nước ngọt trong ao nuôi cao) dẫn đến ốc chết hàng loạt thì bệnh sưng vòi trên ốc hương cũng gây thiệt hại lớn, nếu phát hiện sớm thì có thể cứu được, chứ để đến khi lây lan, bệnh sẽ phát triển rất nhanh, người nuôi mất trắng”. Đã không ít lần những người nuôi ốc tại xã Ninh Thọ phải mất ăn mất ngủ vì ốc. Anh Dũng kể: “Năm 2009, khi chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn, ốc chết, tôi mất trắng hơn 100 triệu đồng. Hay như cơn bão số 1 vừa qua, ốc mới thả nuôi, sức đề kháng còn yếu, chúng tôi chỉ còn biết cầu trời cho mưa ít để ốc khỏi chết”.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi ốc hương, do nuôi ốc bằng thức ăn tươi nên khả năng gây ô nhiễm nước rất lớn. Khi nước ô nhiễm, ốc sẽ bỏ ăn, mắc bệnh và chết. Bên cạnh đó, ốc hương là loài nhạy cảm với môi trường nên phải thả nuôi với mật độ vừa phải, ốc lớn hơn phải san thưa. Việc thay nước thường xuyên sẽ giúp ốc hương phát triển nhanh hơn.

Tính toán lại hiệu quả

Ốc hương của các hộ nuôi tại xã Ninh Thọ hiện đang phát triển nhanh.

Trên thị trường, ốc hương thương phẩm hiện có giá 170.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Nguyễn Đức Thành, nếu thuận lợi, với 3,2 triệu con giống thả nuôi, tỷ lệ hao hụt khoảng 15 - 20%, dự kiến vụ này ông thu được 16 tấn ốc, lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người nuôi ốc hương tại xã Ninh Thọ nhận định, từ năm 2010 trở về trước, không ít ngư dân đã làm giàu từ nuôi ốc hương nhưng đến thời điểm này, việc nuôi ốc hương không còn dễ dàng. Nguyên nhân chính được người nuôi đưa ra chủ yếu do thời tiết thay đổi thất thường, đầu ra không ổn định, phong trào nuôi ốc phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch vùng nuôi hợp lý nên một khi dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại nặng. Do vậy, nhiều ngư dân chia sẻ, kết thúc vụ nuôi này họ sẽ phải tính toán lại hiệu quả của con ốc so với tôm thẻ chân trắng để phát triển các đối tượng nuôi phù hợp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cho biết: “Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương vẫn còn bấp bênh. Để ngư dân yên tâm gắn bó với đối tượng nuôi này, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người nuôi về mặt kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ đầu ra ổn định cho ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để họ mạnh dạn đầu tư nuôi ốc”.

Hiện nay, nghề nuôi ốc hương tại xã Ninh Thọ và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh như TP. Cam Ranh, huyện Vạn Ninh… vẫn phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra; chất lượng con giống không cao. Vì vậy, để nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao cho ngư dân, các đơn vị chức năng cần quy hoạch vùng nuôi hợp lý, nghiên cứu về dịch bệnh để tìm ra các giải pháp phòng trừ, nâng cao chất lượng con giống…

Tại xã Ninh Thọ, nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 20 hộ nuôi ốc hương với diện tích 46 ha/năm, sản lượng đạt 92 tấn thì đến nay đã có 35 hộ nuôi ốc hương với tổng diện tích 80 ha/năm, sản lượng ước đạt 160 tấn. Tuy nhiên, hiện nay không ít người nuôi ốc hương đang có xu hướng quay lại nuôi tôm thẻ chân trắng do chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, chỉ sau 3 tháng nuôi có thể cho thu hoạch, giá tôm thẻ chân trắng cũng khá cao, hiện ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg xuất bán tại ao.

Related news

Khắc Phục Hiện Tượng Cá Nổi Đầu Khắc Phục Hiện Tượng Cá Nổi Đầu

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của hiện tượng trên là do các vi sinh vật háo khí có hại hoạt động mạnh, làm giảm lượng oxy hoà tan trong nước. Oxy hòa tan có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất, chất lượng các loài cá nuôi

Wednesday. May 16th, 2012
Nuôi Tôm Thành Công Cần Chú Trọng Đến Ôxy Đáy Nuôi Tôm Thành Công Cần Chú Trọng Đến Ôxy Đáy

Nhiều người nuôi mặc dù rất cẩn thận trong việc lựa chọn con giống… nhưng tôm vẫn chết trong quá trình nuôi mà không hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Và ông lý giải, vì thực tế họ không hiểu về sinh học và tập tính của con tôm cũng như việc hàm lượng oxy hòa tan tăng dần theo mật độ nuôi, đặc biệt rất cao trong nuôi thâm canh và siêu thâm canh

Wednesday. May 16th, 2012
Vẫn Phát Hiện Nhiều Mẫu Tôm, Cá Nhiễm Dư Lượng Enrofloxacin Vẫn Phát Hiện Nhiều Mẫu Tôm, Cá Nhiễm Dư Lượng Enrofloxacin

Theo Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ, trong Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong tháng 6 vừa rồi ở các tỉnh, TP khu vực Nam bộ đã phát hiện 6 mẫu tôm, cá thương phẩm nhiễm dư lượng Enrofloxacin.

Wednesday. May 16th, 2012