Prices / Mô hình kinh tế

Làm Nông Nghiệp Thu 1 Tỷ Đồng/năm

Làm Nông Nghiệp Thu 1 Tỷ Đồng/năm
Author: 
Publish date: Sunday. June 23rd, 2013

Ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn – Bắc Giang) ai cũng biết gia đình anh Đặng Văn Tiến, vợ là Nguyễn Thu Hà là đôi vợ chồng trẻ làm kinh tế giỏi. Chỉ tính nguồn thu từ cam đường Canh, bưởi Diễn và vải thiều, năm nay, gia đình anh Tiến đã được hơn 1 tỷ đồng…

Những ngày đầu năm mới 2011, chúng tôi đến thăm trang trại kinh tế của anh Đặng Văn Tiến (33 tuổi) ở thôn Đức Chính, xã Thanh Hải đúng lúc gia đình anh Tiến đang chốt giá, bán nốt mẻ cam đường Canh cuối cùng cho khách - 38 nghìn đồng/kg. Trong lúc pha chè, đợi cho chè ngấm, anh Tiến nhanh tay bóc những quả cam đường Canh đỏ rọi mời mọi người ăn thử, rồi nở nụ cười bầy tỏ: Cam đường Canh năm nay được mùa, được giá. Với 2.300 cây cho thu hoạch, gia đình tôi hái được hơn 20 tấn quả, tính trung bình 36 nghìn đồng/kg, được tổng cộng hơn 730 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 600 triệu đồng…

Quả cam đường Canh có mã rất đẹp, ăn lại thơm và ngọt được nhiều người ưa chuộng, vì thế mà những năm gần đây luôn được giá cao. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại rộng hơn 1,4 ha của gia đình mình, anh Tiến giới thiệu: Trang trại này được chia làm ba khu vực: khu vực 1 lớn nhất chủ yếu trồng cam đường Canh; khu vực 2 trồng 500 cây bưởi Diễn, năm nay cũng được khoảng 4.000 quả, được giá 20 nghìn đồng/quả; khu vực 3 nơi tăng gia sản xuất, có 7 sào ao nuôi cá và 700 con vịt siêu trứng, bình quân mỗi ngày thu được 600 trứng. Với mô hình này, gia đình tôi phải thuê từ 5 – 7 lao động làm việc thường xuyên, với mức thù lao 2 triệu đồng/người/tháng…

Thấy trong vườn nhà anh Tiến vẫn còn khoảng 30 cây cam đường Canh sai trĩu quả, tôi liền hỏi, số cam này sao ông không bán nốt đi?

Bán làm sao được, khách đã đặt tiền mua cả gốc rồi. Họ thấy cây đẹp nên đánh dấu mua về làm cảnh chơi trong dịp Tết Nguyên đán với giá từ 2 – 3 triệu đồng/cây đấy.

Quả thật những năm gần đây, phong trào chơi cây cam đường Canh cảnh trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc đã được nhiều người yêu thích. Tuy nhiêu so với cây quất cảnh thì giá cam đường Canh đẹp cao hơn nhiều. Có cây cam to, quả sai đẹp, giá bán lên đến 7 – 8 triệu đồng/cây. Vậy là chỉ với số cây cam Canh này, gia đình anh Tiến cũng kiếm thêm được trên 60 triệu đồng trong dịp Tết.

Đặng Văn Tiến vốn là thanh niên sinh ra và lớn lên ở ngay trên đất sản xuất vải thiều VietGAP nổi tiếng – thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Là một thanh niên chịu khó và năng động nên ngoài việc tập trung chăm sóc 2 mẫu vải thiều tại gia đình, Tiến đã từng làm thêm nhiều nghề để nâng cao thu nhập. Trong đó, có nghề lái xe tải là anh gắn bó lâu nhất với tổng cộng đúng 10 năm.

Cũng chính nghề này đã giúp Đặng Văn Tiến mở rộng được mối quan hệ và có điều kiện được đi đến hầu hết các tỉnh thành ở miền Bắc. Năm 2007, khi đến các tỉnh Hưng Yên và Hà Tây (cũ), Tiến đã thấy các chủ vườn nơi đó sản xuất cam đường Canh rất hiệu quả, rồi trở về quê mình lại thấy anh Bùi Đức Long đã thực hiện mô hình này thành công. Nên đầu năm 2008, Đặng Văn Tiến đã quyết định bán xe ô tô đi, lấy tiền mua hơn 1,4 ha đất ở thôn Đức Chính – Thanh Hải.

Rồi thuê máy xúc về cải tạo lại vườn tạp, đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng mua cam đường Canh từ vùng Hưng Yên về trồng. Sau hơn 3 năm, hai vợ chồng trẻ tần tảo lao động sớm hôm, đến nay trang trại kinh tế của Đặng Văn Tiến đã được xếp vào tốp đầu hiệu quả trong xã Thanh Hải. Ngoài nguồn thu nhập từ trang trại này, năm 2010, Tiến còn thu được gần 200 triệu đồng từ sản xuất 2 mẫu vải thiều tại vườn nhà ở Hiệp Tân. Như vậy tính tổng cộng các nguồn thu nhập trong năm nay, vợ chồng Đặng Văn Tiến – Nguyễn Thu Hà đã đạt được hơn 1 tỷ đồng.

Tâm sự với tôi, Đặng Văn Tiến cho mở lòng: Làm nghề lái xe cũng có cái hay nhưng nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất khó có thể đạt được thu nhập 200 triệu đồng/năm, nhưng làm chủ vườn thì anh thấy đấy, không riêng gì vợ chồng tôi mà nhiều người đã có thu nhập khá ổn định hàng tỷ đồng/năm.

Không chỉ dừng lại ở quy mô trang trại kinh tế hiệu quả này, vừa qua, đôi vợ chồng trẻ Đặng Văn Tiến và Nguyễn Thu Hà đã đầu tư hơn 900 triệu đồng mua thêm 3,5 ha đất ở xã Kiên Thành (Lục Ngạn) tiếp tục cải tạo thành trang trại, và đã mua thêm hàng trăm cây giống cam đường Canh, nhãn muộn, rồi thuê nhân lực về trồng.


Related news

Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam

Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha.

Sunday. June 23rd, 2013
Nuôi Ba Ba Thu Lợi Nhuận Cao Nuôi Ba Ba Thu Lợi Nhuận Cao

Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…

Sunday. June 23rd, 2013
Hiệu Quả Từ Nuôi Cá Lồng Trên Hồ Thủy Điện Sơn La Hiệu Quả Từ Nuôi Cá Lồng Trên Hồ Thủy Điện Sơn La

Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.

Sunday. June 23rd, 2013