Áp Dụng Quy Trình Chăn Nuôi An Toàn Để Ổn Định Sản Xuất Ở Bắc Giang
Tác giả:
Ngày đăng: 23/04/2012
Gần một tháng trở lại đây, ở Bắc Giang, lợn hơi giảm giá mạnh, thị trường tiêu thụ thịt lợn trầm lắng. Người chăn nuôi thua lỗ mà nguyên nhân chính là do chất tạo nạc đã được phát hiện trên thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.
Hơn một tuần nay, ông Nguyễn Văn Mừng, chủ trang trại nuôi lợn tại thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang - Bắc Giang) như ngồi trên đống lửa. Nếu như trước đây, gia đình ông nuôi mỗi lứa 100 con lợn, bán với giá 42 - 45 nghìn đồng/kg lợn hơi, thu lãi khoảng 50 - 60 triệu đồng thì nay không những bị lỗ mà còn rất khó bán. Ông Mừng than thở: "Nhà tôi có gần 70 con lợn đã đến kỳ xuất chuồng. Giá lợn hơi hiện nay giảm chỉ còn 36 nghìn đồng/kg. Tôi đã năm lần bẩy lượt gọi các chủ lò mổ, nài nỉ họ mới bắt cho 1 - 2 con/ngày.
Vì thế, thời điểm này, trong chuồng vẫn còn 50 con lợn đã đến lứa mà không bán được". Với giá như hiện nay, mỗi con lợn bán ra ông bị lỗ 400 - 500 nghìn đồng, nếu tiếp tục nuôi kéo dài 10 - 15 ngày nữa chắc chắn sẽ lỗ to vì chi phí thức ăn tốn kém. Tương tự, ông Phạm Văn Đề ở thôn Thân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) cũng lo ngay ngáy vì có gần 100 con lợn đã đến lúc xuất chuồng mà chưa bán được. Không chỉ các trang trại chăn nuôi lợn thịt gặp khó mà theo ông Thân Văn Long, Giám đốc Công ty Giống chăn nuôi Bắc Giang thì do giá lợn thương phẩm giảm, người dân tái đàn dè dặt nên lợn giống bán cũng chậm hơn. Nếu để càng to càng khó bán vì chi phí cho con giống tăng cao.
Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc thú y tại một cửa hàng ở huyện Tân Yên.
Tìm hiểu được biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giá lợn xuống thấp và khó tiêu thụ. Đó là đầu năm nay tuy dịch bệnh có xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nhưng đã được khống chế kịp thời nên tổng đàn không sụt giảm. Tại tỉnh Bắc Giang, đàn lợn vẫn đạt 1,1 triệu con do đó nguồn cung khá dồi dào. Ngoài ra, do đã qua mùa lễ hội, cưới hỏi thêm vào đó hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm không cao như giai đoạn trước. Hơn nữa do khó khăn chung của nền kinh tế, đối mặt với nhiều lần tăng giá thực phẩm trước đây nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu do đó sức mua thịt lợn cũng giảm đáng kể.
Đặc biệt, thông tin về việc sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi tại một số cơ sở chăn nuôi ở nhiều tỉnh để tạo ra thịt lợn có tỷ lệ nạc cao hơn một tháng qua đã khiến người dân e ngại với thịt lợn; ngành chăn nuôi lợn bị thiệt hại đáng kể, lợn giảm giá mạnh, tiêu thụ khó khăn. Một nguyên nhân nữa là thời gian gần đây, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam. Theo cơ quan thú y, nếu như trước đây, mỗi ngày toàn tỉnh xuất sang Trung Quốc hơn 1.000 con lợn thì nay chỉ còn khoảng 100 con. Ông Phạm Quang Tuấn, chủ thu gom lợn sang Trung Quốc ở thôn Am, xã Xuân Hương (Lạng Giang) phản ánh: "Nửa tháng nay tôi không xuất được xe lợn nào sang Trung Quốc, trong khi đó trước đây mỗi ngày tôi xuất 3 - 4 xe với số lượng 250 - 300 con".
Thông tin có chất tạo nạc lợn làm người tiêu dùng hoang mang, có xu hướng quay lưng lại với thịt lợn. Khảo sát tại các chợ Hà Vị, Tiền Môn, Ngô Quyền (TP Bắc Giang) những ngày gần đây cho thấy đã gần quá trưa mà những phản thịt lợn vẫn ê hề. Mặc dù giá bán các loại thịt nạc thăn, mông sấn, ba chỉ đã giảm 15 - 20 nghìn đồng/kg nhưng lượng khách mua cũng thưa vắng hẳn so với trước đây. Bà Nga, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Vị than thở: "Trước đây, mỗi ngày tôi bán được 150 kg thịt lợn thì nay chỉ bán được 50 - 70 kg. Tình trạng này kéo dài có lẽ tôi phải chuyển nghề". Không chỉ người bán, nhiều người nội trợ hiện nay rất lo lắng. Bà Trần Thị Ái, tổ dân phố 7B, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang nói: "Thời gian gần đây tôi mua thịt lợn ít hơn thay vào đó là ăn đậu, cá, tôm vì sợ trong thịt có chất tạo nạc ảnh hưởng đến sức khoẻ".
Giá lợn giảm mạnh đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất của các hộ chăn nuôi. Nhằm tránh những tác động tiêu cực đến thị trường thực phẩm trong những tháng tới, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, Chi cục Thú y cũng đã kiểm tra hàng trăm cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố đồng thời lấy mẫu thuốc thú y, thức ăn và nước tiểu lợn gửi đi xét nghiệm. Qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Bởi vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay tất cả loại thịt bán trên thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, trước hết chính các hộ dân phải kiên quyết không sử dụng chất tạo nạc, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục theo dõi và kiểm tra chặt chẽ từ khâu sản xuất, cung ứng thức ăn, trang trại chăn nuôi đến giết mổ và bày bán sản phẩm. Nếu phát hiện cửa hàng nào bán chất tạo nạc sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề; trang trại nào sử dụng sẽ bị tiêu hủy lợn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể bạn quan tâm
Giá Cà Phê Tăng Cao Nhưng Nông Dân Vẫn Găm Hàng
Sáng 19-7, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng lên mức 41.300 đồng/kg. Như vậy so với đầu tuần giá cà phê đã tăng 1.500 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 2 tháng qua.
23/04/2012
Hiệu Quả Chăn Nuôi Vỗ Béo Bò Ở Lao Bảo (Quảng Trị)
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.
23/04/2012
Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Giống
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ mô hình nuôi cá giống. Một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu đầu tiên từ mô hình này là gia đình chú Nguyễn Văn Sáu ở ấp Tịnh Mỹ.
23/04/2012