"1 Phải, 5 Giảm" - Tiến Bộ Kỹ Thuật Mới
Biện pháp kỹ thuật tổng hợp “1 phải, 5 giảm” (1P5G) xuất phát từ biện pháp kỹ thuật “3 tăng, 3 giảm” mà nhóm tác giả Phạm Văn Dư, Phạm Sỹ Tân, Nguyễn Hữu Huân cùng một số tác giả thực hiện ở các địa phương từ năm 2001.
Sau nhiều năm thực hiện, “3 giảm, 3 tăng” đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong SX lúa ở ĐBSCL, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những vấn đề cần phải giải quyết. Do đó, tổ công tác của Bộ NN- PTNT, đứng đầu là Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, đã đề xuất biện pháp kỹ thuật tổng hợp 1P5G. Theo đó, 1 phải là phải sử dụng giống xác nhận. 5 giảm gồm giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc BTVT hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch.
An Giang là tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng 1P5G từ vụ hè thu năm 2006. Từ việc triển khai thành công mô hình ở nhiều nơi trong tỉnh và được sự đánh giá tốt của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, Cục BVTV cũng như chính quyền tỉnh An Giang, trong giai đoạn từ 2009- 2012, Chi cục BVTV An Giang đã đẩy mạnh ứng dụng 1P5G trên diện rộng ở tỉnh này.
Đến nay, đã có 3.359 ha ứng dụng 1P5G. Kết quả xây dựng mô hình huấn luyện 1P5G ở An Giang cho thấy: Lượng lúa giống trên ruộng trình diễn qua 2 vụ ĐX và HT năm 2010 dao động từ 110- 115 kg/ha/vụ, giảm 59,5 kg/ha so với ruộng đối chứng vụ ĐX và 87,8 kg/ha so với ruộng đối chứng vụ HT; lượng urê giảm 41,5 kg/ha vụ ĐX và 46,1 kg/ha vụ HT; tổng số lần phun thuốc trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, nhện gié trên ruộng 1P5G giảm 2,4 lần so với ruộng đối chứng trong vụ ĐX và 2,1 lần trong vụ HT; số lần bơm nước trong vụ ĐX giảm trung bình 1,7 lần, tiết kiệm được 102 ngàn đ/ha, vụ HT giảm 1,2 lần, tiết kiệm 72 ngàn đ/ha.
Giảm nước nhưng lúa vẫn phát triển tốt, hạn chế được sự đổ ngã do rễ ăn sâu hơn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong SX lúa. Ở các ruộng 1P5G, năng suất bằng hoặc tương đương với ruộng đối chứng. Còn ở các điểm trình diễn, năng suất cao hơn 100 kg/ha/vụ. Giá thành SX ở các điêm trình diễn 1P5G đều thấp hơn so với ruộng SX bình thường. Cụ thể, vụ ĐX giảm giá thành được 403 đ/kg (giảm 17,2%), vụ HT giảm 624 đ/kg lúa (giảm 19,6%). Qua đó, lợi nhuận bình quân ở các ruộng 1P5G tăng khá, đạt 18,269 triệu đ/ha trong vụ ĐX (tăng 3,8 triệu đ/ha so ruộng đối chứng) và 7,184 triệu đ/ha vụ HT (tăng 3,513 triệu đồng).
Như vậy, nếu tính bình quân lợi nhuận tăng thêm 3,6 triệu đ/ha/vụ, thì năm 2010, trên diện tích ứng dụng 1P5G ở An Giang, nông dân tăng thêm được lợi nhuận tới 85,8 tỷ đ/vụ.
Với những hiệu quả thực tế đó, vào ngày 20/2/2012, Hội đồng Khoa học của Cục Trồng trọt đã xem xét, đánh giá và công nhận 1P5G do nhóm tác giả Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Văn Phương, Huỳnh Thế Năng, Phạm Văn Quỳnh, Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Mỹ Sơn, Tô Phúc Tường, Cao Vĩnh Thông, Hồ Văn Chiến và Lê Quốc Cường ứng dụng và phát triển là TBKT mới trong SX lúa.
Về tiêu chí giảm thất thoát sau thu hoạch, đến cuối năm 2010, An Giang đã có 1.635 máy thu hoạch lúa (1.254 máy gặt đập liên hợp và 381 máy gặt xếp dãy), nhờ đó diện tích thu hoạch bằng máy đạt 97.000 ha (gần 42%). Toàn tỉnh hiện có 2.403 máy sấy các loại, đảm nhận sấy được 74,6% lúa HT. Nhờ đó, tính trên diện tích thu hoạch bằng cơ giới đã giảm thất thoát hơn 34.000 tấn lúa (tương đương 254 tỷ đồng). Thu hoạch bằng cơ giới giúp nông dân giảm chi phí 500 ngàn đ/ha, lợi nhuận tăng thêm được 112 tỷ đồng. Việc sử dụng máy sấy giúp cho tỷ lệ lúa bị hao hụt xuống dưới 0,5% so với gần 2% nếu phơi lúa bằng phương pháp thủ công. Giá trị hạt gạo xuất khẩu cũng tăng lên do tỷ lệ rạn nứt từ mức 15- 18% trước đây giảm xuống còn 5-8%.
Ở các địa phương khác, ứng dụng 1P5G cũng mang lại những kết quả khả quan. Tại Cần Thơ, trong vụ HT 2011 đã ứng dụng 1P5G tại 6 xã thuộc huyện Cờ Đỏ, mỗi xã 1 ha. Kết quả cho thấy lượng lúa giống giảm 57,3 kg/ha, phân đạm giảm 20 kg/ha, giảm được 2,7 lần phun thuốc BVTV, năng suất cao hơn 235,7 kg/ha. Nhờ đó, nông dân làm 1P5G tăng được lợi nhuận 4,254 triệu đ/ha.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Bình Dương, mô hình 1P5G ở tỉnh này làm tăng hiệu quả kinh tế từ 2,5- 4 triệu đ/ha so với ruộng đại trà (tăng 20- 30%). Đại diện ngành nông nghiệp, BVTV ở các địa phương đã thực hiện mô hình 1P5G như An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Ninh Thuận và Lâm Đồng, đều cho rằng 1P5G giúp cải thiện môi trường, giảm chi phí SX, nâng cao hiệu quả SX lúa…
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Đắk Nông thì đơn vị đang phối hợp với Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 (Khánh Hòa) hỗ trợ xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 2 trang trại là trang trại Gia Trung, chuyên canh sầu riêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và trang trại của bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên canh quýt ở xã Quảng Khê (Đắk Glong).
Để kịp thời tiêu úng cho cây trồng, các doanh nghiệp thủy lợi đang vận hành 193 trạm bơm với 1.004 máy bơm, tổng lưu lượng 2.500.250 m3/h. Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, chủ động vận hành công trình, bơm tiêu cho những diện tích bị úng ngập khi xảy ra.
Tân Phú Đông, huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang thành lập cách nay hơn 5 năm. Nếu trước đây mãng cầu xiêm được xem là cây xóa đói giảm nghèo của huyện cù lao này thì khoảng 1 năm trở lại đây, cây sả đã "lên ngôi". Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển từ ruộng lúa lên liếp trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa hoặc bỏ hẳn cây lúa, chuyển sang trồng sả quanh năm…