Tôm Thẻ Chân Trắng Lên Ngôi
Mấy năm gần đây, tại Việt Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang lấn át tôm sú và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong XK. Việc người dân dần chuyển sang nuôi TTCT phải chăng là xu hướng tất yếu.
Tôm thẻ đè tôm sú
Năm 2011, Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng 300 nghìn tấn. Ấn Độ và Indonesia xếp thứ 2 và 3 với sản lượng lần lượt là 187,9 nghìn tấn và 126,2 nghìn tấn. ĐBSCL là vùng nuôi tôm nước lợ chính, năm 2012, diện tích và sản lượng tôm sú nuôi 579.997 ha và đạt sản lượng 280.647 tấn. Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích với khoảng hơn 260.000 ha, năng suất bình quân 419 kg/ha.
Tôm sú tuy là mặt hàng có giá trị kinh tế cao nhưng nuôi tôm sú ngày càng gặp khó khăn, nhất là một vài năm trở lại đây nên nhiều người dân đã chuyển sang nuôi tôm TTCT.
Trà Vinh vốn là vùng đất của con tôm sú, nhưng theo báo cáo của ngành chức năng thì tính đến đầu tháng 6/2013, các hộ nuôi tôm ở các huyện như Châu Thành, Cầu Ngang… đã thả nuôi gần 590 triệu con TTCT giống với diện tích khoảng 1.190 ha. So với 2012, diện tích nuôi TTCT đã tăng khoảng 12 lần. Tại Sóc Trăng, hiện nay diện tích nuôi TTCT đã vượt lên 6.233 ha, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cả nước cũng XK tôm sú đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng giá trị XK tôm cả nước, TTCT đạt 676,6 triệu USD, chiếm 32,8%. Theo thống kê, năm 2012, diện tích nuôi TTCT ở ĐBSCL chiếm khoảng 15.727 ha và 77.830 tấn (tương đương với 41,2% diện tích nuôi và 42% sản lượng TTCT cả nước).
Bến Tre là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích với khoảng 4.165 ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha. Nhiều địa phương ở miền Bắc, Bắc Trung bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh…, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên hầu hết là nuôi TTCT thâm canh trong ao đất, nuôi tôm trên cát trong ao lót bạt, năng suất bình quân từ 8 - 10 tấn/ha.
TTCT phù hợp với thời tiết ở miền Bắc hơn là tôm sú. Không chỉ các hộ dân mà DN nuôi tôm cũng chọn TTCT.
Hiện nay, các nhà sản xuất tôm châu Á đang tăng sản lượng tôm cỡ nhỏ hơn. Năm 2011, tôm cỡ 61 - 70 chiếm 7% tổng sản lượng tôm nuôi, nhưng năm 2012 đã tăng lên 15%. Trong khi đó, tôm cỡ 31 - 40 giảm xuống còn 15% tổng sản lượng năm 2012 so với 23% năm 2011.
Biến động này là do nhu cầu tôm cỡ nhỏ từ các thị trường lớn như Mỹ tăng, do đó việc chuyển sang nuôi TTCT ở nhiều quốc gia có thế mạnh về tôm sú phải chăng cũng là điều dễ hiểu. Trên thế giới, Trung Quốc là nước dẫn đầu về sản xuất TTCT với 1,326 triệu tấn; Thái Lan xếp thứ 2 với 511 nghìn tấn và Ecuador xếp thứ 3 với và 260 ngìn tấn.
Thay đổi theo xu hướng thị trường
Theo một nhà khoa học thủy sản thì tôm sú khó nuôi, đặc biệt là nuôi thâm canh mật độ cao, dễ bị bệnh. Bên cạnh đó, đầu ra cho tôm sú cỡ lớn cũng khó hơn do xu thế của thị trường ưa chuộng tôm cỡ nhỏ. Tôm sú bố mẹ chủ yếu là đánh bắt từ tự nhiên, chất lượng không đảm bảo.
Trong khi đó, tôm gia hóa thì chất lượng chưa kiểm soát được. Việc nuôi tôm sú hiệu quả và thích hợp với những hộ có diện tích lớn, nuôi với mật độ thưa, nuôi xen ghép, nuôi sinh thái…
Cùng với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết: Việc nhiều hộ nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ là xu hướng tất yếu, bởi nuôi tôm sú gần đây chết nhiều quá. Hơn nữa, thời gian nuôi TTCT ngắn, chỉ hơn hai tháng là có thể thu hoạch, với giá tại thời điểm này là có lãi rồi.
Xu hướng này không chỉ ở ĐBSCL nói riêng, ở Việt Nam nói chung mà còn ở các nước chuyên nuôi tôm sú như Ấn Độ cũng chuyển sang nuôi TTCT. Việc quản lý vần đề này không dễ bởi không thể nào buộc người dân nuôi đối tượng khó để bị thiệt hại. Nếu muốn người dân nuôi tôm sú, cơ quan chức năng phải làm mô hình nuôi thành công thì người dân sẽ theo.
Nhìn vấn đề với quan điểm thận trọng hơn, ông Sáu Ngoãn, một người nuôi tôm sú rất giỏi ở Bạc Liêu cho rằng, nuôi TTCT đòi hỏi phải có sự đầu tư cao hơn về thiết bị dụng cụ, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phải có vốn lớn. Thậm chí nuôi TTCT ở Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với Thái Lan và Trung Quốc, vì đây là những nước đi trước, có công nghệ kỹ thuật cao.
Trước xu thế chuyển đổi của người dân, nhiều DN sản xuất tôm giống đã chuyển hướng sang sản xuất và cung cấp giống TTCT. Theo đại diện của một DN sản xuất tôm giống lớn ở Bình Thuận thì trong 2 -3 năm trở lại đây, DN này đã tập trung đến 90% năng lực sang sản xuất TTCT giống.
Số lượng TTCT bố mẹ nhập về Việt Nam cùng số trại giống sản xuất TTCT tăng lên đã cho thấy sức hút của TTCT đối với nghề nuôi tôm hiện nay.
Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2013, giá trị XK tôm Việt Nam đạt hơn 863,5 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số thị trường nhập khẩu chính đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là có xu hướng tăng ở thị trường ASEAN.
Có thể bạn quan tâm
Hôm qua (8/6), tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì hội thảo “Tư vấn định hướng nghiên cứu và phát triển lúa lai Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.
Cùng với lăng chấm, anh vũ, rầm xanh, bỗng, cá chiên được liệt vào hàng đặc sản tiến vua. Thường sống ở tầng đáy, ưa những nơi có khe nước chảy, đáy là cát đá, cá chiên có thể biến đổi màu, ở môi trường nước trong cá có màu nâu đen, trong môi trường nước đục cá có màu vàng nâu
Năm 2008, lúc mới ra quân, Đạt xin vào làm công nhân nông trường cao su theo nghề của cha. Sau vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha bệnh chết chỉ còn lại hai mẹ con, Đạt về nhà lo kinh tế gia đình. Anh chọn nghề nuôi thỏ vì thấy thỏ sinh trưởng nhanh, vốn đầu tư ít