Trồng Chôm Chôm Làm Giàu Trên Đất Cù Lao Tân Phong (Tiền Giang)

Tân Phong (Tiền Giang) là xứ cù lao sông nước, đất phù sa bồi màu mỡ thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao mà nổi bật là chôm chôm.
Cây chôm chôm trồng được nhiều nơi ở miền Nam nhưng có lẽ không nơi đâu cho trái to đẹp, chất lượng ngon ngọt bằng chôm chôm trên đất cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Thương hiệu “chôm chôm Tân Phong” chiếm trọn niềm tin của khách hàng phía Nam nhiều năm nay bởi chất lượng vượt trội.
Nói đến trồng chôm chôm làm giàu tại đây phải kể đến ông Nguyễn Văn Giàu, cư ngụ tại ấp Tân Bường A, xã Tân Phong, đang sở hửu 4 ha đất chôm chôm đặc sản đang cho trái.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, gia đình ông trồng giống chôm chôm Java – giống chôm chôm truyền thống hiện diện từ lâu đời đã làm nên tên tuổi cho miệt vườn Tân Phong. Ưu điểm giống chôm chôm này là năng suất cao, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và giá trị kinh tế cao. Thông thường, chôm chôm trồng khoảng 4 năm tuổi trở đi bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ổn định.
Những năm về sau, vườn cây càng lâu năm, năng suất càng cao. Vườn chôm chôm của ông Giàu đã 6 – 7 năm tuổi và năm nào cũng thu hoạch đạt năng suất từ 25 tấn đến 30 tấn/ ha bình quân. Với 4 ha, mỗi năm gia đình ông đạt sản lượng từ 100 đến 120 tấn quả cung ứng cho thị trường.
Tháng 8 đến tháng 10 vào vụ thu hoạch, trái chín đỏ lúc lỉu trên cành. Thương lái đổ về thu mua tại chỗ với giá từ 9.000 đ – 10.000 đ/kg. Với giá trên, sau vụ thu hoạch ông thu trên 1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi 300 – 400 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Giàu, để thâm canh chôm chôm đạt hiệu quả, các khâu quan trọng cần chú ý: Tỉa cành, tạo tán, có chế độ chăm sóc phù hợp, bón nhiều phân hữu cơ hoai mục, biết xử lý để chủ động mùa vụ thu hoạch vừa trúng mùa, trúng giá và bội thu.
Cụ thể, hàng năm, sau khi thu hoạch xong ông tiến hành vệ sinh vườn cây, tỉa bỏ các cành vô hiệu. Khi cây bắt đầu ra đọt non ông xác định công thức phân bón thích hợp cho lần ra đọt non thứ 1, ra đọt non thứ 2, chuẩn bị vườn cây vào thời điểm bắt đầu xử lý ra hoa.
Thông thường, để cây ra hoa theo ý muốn, ông Giàu dùng biện pháp tháo cạn nước trong các ao mương vườn (nông dân gọi là xiết nước) kết hợp chăm sóc tích cực. Cách làm như sau: Thời điểm khoảng tháng 12 âl, sau khi cây đã ra đọt non lần thứ 2, bắt đầu siết nước.
Thời gian siết nước kéo dài trong khoảng 1 tháng rưởi đến 2 tháng thì cây bắt đầu ra hoa. Chú ý, thời gian trên không phải siết nước khô cạn triệt để toàn bộ mà cần theo dõi sức khỏe của cây để lấy nước vào, tháo nước ra trong những thời điểm thích hợp.
Mục đích kích thích để cây ra hoa theo ý muốn của chủ vườn. Sau thời gian siết nước đến thời kỳ chăm sóc hoa, tỉa và chăm sóc trái, có chế độ bón phân nuôi trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để phòng trị sâu bệnh gây hại trên hoa, trên trái và sâu đục thân...
Ông Võ Minh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Phong đánh giá: Cái hay của ông Nguyễn Văn Giàu là với sự nhạy bén của người nông dân nhiều đời gắn bó với nghề trồng chôm chôm trên đất cù lao đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm tích lũy được với kiến thức thâm canh theo khoa học, biết nắm vững kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn khắc phục tình trạng “trúng mùa, dội chợ”, giữ được giá bán chôm chôm luôn ở mức cao.
Hầu như năm nào ông cũng xử lý cho cây ra hoa thành công, thu hoạch trái vụ, tránh thời điểm mùa trái cây phía Nam vào chính vụ (khoảng tháng 5,6 âl) thường bị mất giá. Kinh nghiệm trên được ông chia sẻ cùng bà con vùng chuyên canh chôm chôm tại đây để cùng khai thác tốt tiềm năng cây trồng đặc sản này để làm giàu. Theo gương ông, nông dân Tân Phong đã mở rộng diện tích chôm chôm lên 550 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Riêng ông Nguyễn Văn Giàu, nhờ vậy, với 4 ha chôm chôm, ông đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng, trở thành tỉ phú đất cồn Tân Phong và là điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của địa phương, góp thêm vào sự đa dạng của những mô hình làm ăn hiệu quả ở nông thôn Tiền Giang hôm nay.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lê Văn Sử, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết: Hơn nửa tháng qua, vùng nuôi nghêu thương phẩm trên địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) xuất hiện nhiều nghêu giống, sò huyết giống, thu hút hàng ngàn người đến khai thác.

Ngư dân Bình Định đã phát hiện ra cách câu và đánh bắt cá ngừ đại dương mới mà mỗi chuyến biển đạt trên 100 con là “chuyện thường ngày.”

Từ cánh đồng của nông dân tới giai đoạn chế biến, mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL bị thất thoát, tương đương với khoảng 5% tổng lượng lúa thu hoạch. Các chuyên gia đã tính toán, chuỗi thất thoát đã làm giảm giá trị của xuất khẩu gạo Việt Nam khoảng 500 triệu USD

Với quy trình trồng rau hữu cơ, mỗi ký rau mang tên Oganik có giá bán cao gấp gần chục lần rau thường. Không chỉ phục vụ cho nhà hàng, khách sạn 4, 5 sao và khách “Vip”, sản phẩm rau hữu cơ “siêu sạch” còn XK đi châu Âu…

Hiện nay tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Kạn 183.726 con, trong đó: lợn nái có 17.744 con, chiếm 9,7% tổng đàn. Về lý thuyết với số lượng đàn lợn nái như trên có thể sản xuất đủ số lượng lợn giống nuôi thịt đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, nhưng thực tế bình quân hàng năm người chăn nuôi phải nhập khoảng 100.000 – 120.000 con lợn giống từ tỉnh ngoài, gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm tra chất lượng và tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của tỉnh.