Thận trọng khi phát triển cây tỉ phú mắc ca

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng đây là cây trồng mới ở nước ta nên cần phải có kế hoạch về đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ trước khi bắt đầu trồng đại trà; đồng thời khuyến cáo loại cây này không dễ trồng như nhiều người lầm tưởng và đây cũng không phải là “cây tỉ phú” như đồn đại.
Dân mạnh dạn trồng cây mắc ca
Người đưa cây mắc ca bén rễ trên vùng đất Sông Hinh là ông Nguyễn Đức Toán ở thôn Tân An, xã Ea Bar. Được trực tiếp tham quan, học hỏi mô hình trồng mắc ca tại tỉnh Đắk Lắk, cuối năm 2010, ông Toán đã mạnh dạn đầu tư gần trăm triệu đồng mua giống cây mắc ca đem về trồng xen với rẫy cà phê hơn 3ha.
Tháng 7/2014 vừa qua, gia đình ông đã thu bói được 300kg trái khô. Theo ông Toán, cây mắc ca phát triển nhanh, khỏe mạnh, chịu hạn tốt, không có biểu hiện của sâu bệnh và rất thích hợp trên vùng đất huyện Sông Hinh.
Cũng như ông Toán, cuối năm 2010, anh Kso Y Tin ở thị trấn Hai Riêng đã mạnh dạn đầu tư trồng 300 cây mắc ca trên diện tích 1ha đất rẫy của gia đình. Lúc đầu, sau khi trồng xong, anh Kso Y Tin bỏ mặc không chú trọng đầu tư nên cây phát triển chậm. Đến năm 2012, anh mới đầu tư hệ thống nước tưới, phát dọn, chăm sóc vườn cây. Hiện nay, vườn cây của anh đã ra trái bói và sai trái hơn cả vườn cây của ông Toán.
Khác với sự tự phát như hộ ông Toán và anh Kso Y Tin, nhiều hộ trên địa bàn Sông Hinh trồng cây mắc ca theo hợp đồng liên kết với Công ty TNHH thương mại và du lịch Đức Anh (Công ty TNHH Đức Anh), một đơn vị cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cây mắc ca.
Ông Nguyễn Văn Học, xã Ea Bar là một trong những hộ như vậy. Theo ông Học, tham gia hợp đồng, Công ty TNHH Đức Anh cung cấp giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm định. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, Công ty TNHH Đức Anh đã hỗ trợ trực tiếp cho người tham gia dự án 25% tổng số tiền cây giống, công vận chuyển. Điều khiến người nông dân an tâm hơn, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, Công ty TNHH Đức Anh cam kết đảm bảo bao tiêu hết số lượng sản phẩm cây mắc ca theo giá cả thị trường đối với những hộ tham gia dự án.
Từ những kết quả bước đầu, đến nay trên địa bàn huyện Sông Hinh đã có hàng chục hộ đầu tư vốn trồng cây mắc ca với diện tích trên 40ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar. Cũng như cây cao su, trong bốn năm đầu, mắc ca cho phép trồng xen nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác như sắn, cà phê, bắp, đậu…
Những người trồng cây mắc ca cho biết, với khoảng cách hàng cách hàng 7m, cây cách cây 6m, hiệu quả canh tác cây ngắn ngày trên diện tích mắc ca giảm không đáng kể, ngược lại chúng còn hỗ trợ giữ ẩm, chống xói mòn đất khi tán cây mắc ca chưa phát triển. Cũng từ thực tế cho thấy, cây mắc ca phát triển đều trên các loại đất, từ đất đỏ, đất đen hay đất pha cát…
Thận trọng khi mở rộng diện tích
Mắc ca là cây trồng còn mới lạ ở vùng đất Sông Hinh, nhưng với những địa phương khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng hay một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều năm qua, cây mắc ca đã đem lại giá trị kinh tế cao từ việc bán nhân trái mắc ca để xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Với giá thị trường 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi héc ta mắc ca cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, để tránh rủi ro như cây cà phê và cây cao su trước đây, lãnh đạo huyện Sông Hinh rất thận trọng trong việc triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Năm 2010, huyện đã mời các nhà khoa học tư vấn và tập huấn cho nông dân trong huyện; đồng thời đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT và UBND tỉnh cho trồng thí điểm tại Sông Hinh và đến nay, người dân đã trồng được trên 40ha.
Tại hội thảo giới thiệu khả năng phát triển cây mắc ca ở huyện Sông Hinh, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Sông Hinh nằm ở độ cao, có khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, cây mắc ca sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nếu trồng, chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn.
Để giúp nông dân có hướng phát triển kinh tế mới, huyện Sông Hinh đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH Đức Anh triển khai dự án đầu tư trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca trên địa bàn huyện. Theo đó diện tích cây mắc ca sẽ được mở rộng lên đến 1.000ha, đồng thời đầu tư vốn xây dựng nhà máy thu mua và chế biến hạt mắc ca tại địa bàn.
“Qua gần 5 năm trồng thí điểm chúng tôi nhận thấy cây mắc ca trồng tại huyện Sông Hinh đều sinh trưởng, phát triển tốt và trồng được ở nhiều loại đất khác nhau, độ cao khác nhau, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để phát triển cây mắc ca trên quy mô lớn, chúng ta phải hết sức thận trọng. Bà con nông dân không nên trồng ồ ạt, cần thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp”, ông Trần Thanh Định nói.
Có thể bạn quan tâm

Cũng theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị NK mặt hàng thủy sản tháng 2 đạt 72 triệu USD, đưa giá trị NK 2 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường NK chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).

Mồng 6 Tết Ất Mùi, trong ngày đầu cả nước ra quân làm việc, các xã Glar, A Dơk, Ia Băng, Trang, Ia Pếch… thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, thủ phủ cây cao su trên Tây Nguyên vắng lặng lạ thường. Không phải vì những vườn cao su đã trơ trụi mùa thay lá, không phải người dân lên nương làm rẫy, mà bởi 2 loại cây đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây sắn và cao su, năm qua giá rớt thê thảm, tác động đời sống bà con.

Theo các tiểu thương, lượng hàng tại chợ quá ít trong khi thời điểm này đang là trái vụ của nhiều loại trái cây nhưng sức mua lại mạnh do sắp tới rằm tháng Giêng. Họ dự báo giá có thể tăng lên nữa trong vài ngày tới và phải đến tận 17 - 18 tháng Giêng âm lịch mới khả năng hạ nhiệt.

“Muối SX ra không sợ bị ứ đọng, vì có hợp đồng với nhiều thương lái thu mua. Điều lo là giá muối quá thấp. Bước vào đầu vụ, các chi phí đầu tư SX đều tăng cao. Trong đó công lao động tăng mạnh nhất, hiện có giá từ 110-130 ngàn đ/công, tăng 20-30 ngàn đ/công so với năm ngoái. Vì vậy để SX muối có lãi thì giá muối thu mua phải dao động ở mức 800-1.000 đ/kg”, ông Hiến nói.

Bộ Công Thương cho biết, giá muối trên thị trường trong nước năm 2014 tương đối ổn định, với muối trắng tại miền Bắc dao động quanh mức 1.600 – 2.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 1.000-1.400 đồng/kg. Giá muối giảm khá mạnh (khoảng 30- 40%), trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến diêm dân khốn khổ. Ngay tại Ninh Thuận – một trong hai “thủ phủ” muối của cả nước giảm từ mức 900- 1.000 đồng/kg hồi đầu năm 2014 xuống 500- 550 đồng/kg vào giữa năm và vẫn duy trì thấp cho đến nay.