Phát Triển Cây Đậu Trên Cát Cho Hiệu Quả Cao

Là một xã vùng biển bãi ngang, toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Triệu Vân nằm trong vùng cát của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), do đó canh tác nông nghiệp khó khăn và nguồn nước tưới không đảm bảo. Nguồn thu nhập từ biển của ngư dân Triệu Vân không nhiều lắm do chủ yếu đánh bắt ven bờ. Sản xuất nông nghiệp của xã trước đây phần lớn chỉ trồng được một vụ lúa đông xuân đạt năng suất thấp. Hàng năm vào vụ hè thu, do không có nước tới nên vùng cát toàn xã Triệu Vân bị bỏ hoang.
Vài năm trở lại đây, thực hiện sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu, xã Triệu Vân đã đưa vào trồng mới một số loại cây trồng chịu hạn, cho năng suất cao và sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh như các loại cây họ đậu, dưa hấu, bầu, bí, mướp…
Năm 2013, được sự hỗ trợ của dự án sản xuất nông nghiệp ở vùng cát tỉnh Quảng Trị (mỗi héc ta được hỗ trợ 5 triệu đồng bao gồm giống và vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), người dân xã Triệu Vân đã trồng 15 ha đậu đen, nâng tổng số diện tích đậu đen của toàn xã lên 45 ha. Nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chu đáo, cặn kẽ cách canh tác nên năng suất đậu đen của xã Triệu Vân đạt khá, bình quân đạt 15 tạ/ha.
Được sự đầu tư của dự án, gia đình ông Trần Đình Anh ở thôn 8 là một trong những hộ đầu tư trồng đậu đen mang lại hiệu quả cao. Trên diện tích 4 sào ruộng trồng lúa vụ đông xuân, vụ hè thu gia đình ông Anh trồng đậu đen, thu hoạch mỗi vụ được sản lượng hơn 3 tạ. Vụ hè thu năm nay đậu đen được mùa ông Anh thu hoạch hơn 3,5 tạ, thu hoạch đến đâu ông tranh thủ thời tiết nắng ráo phơi rồi bán ngay nên được giá, mỗi kilôgam giá 40.000 đồng. Chỉ đầu tư sản xuất trong thời gian 2 tháng trên diện tích 4 sào đất, gia đình ông Anh thu về hơn 13 triệu đồng.
Hiện tại, trên địa bàn xã Triệu Vân có hơn 80% số hộ dân tập trung ở thôn 7, thôn 8 và thôn 9 tham gia trồng đậu đen xanh lòng. Theo người dân ở đây cho biết, cây đậu đen xanh lòng rất dễ trồng, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn nhưng cho hiệu quả kinh tế rất cao, thích hợp với vùng đất cát. Với giá đậu đen trên thị trường hiện nay thì trồng mỗi héc ta cho giá trị khoảng 50 - 60 triệu đồng/vụ.
So sánh với một số cây trồng khác thì trên cùng một diện tích, trồng đậu đen cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa và gấp hơn 3 lần trồng khoai lang. Hơn nữa, trồng đậu đen tiết kiệm được nước tưới, lại làm cho đất tốt hơn qua các vụ canh tác nên vụ sau trồng lúa có năng suất cao.
Thời vụ trồng đậu đen ngắn nên rất thích hợp để trồng trong vụ hè thu vừa tiết kiệm nước tưới, vừa tránh được những rủi ro do thiên tai cuối vụ như mưa lũ, bão… Những năm qua, nhờ phát triển cây đậu đen mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống.
Phát huy hiệu quả đó, qua các năm, xã Triệu Vân đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu, cây đậu đen được xã tập trung chỉ đạo nông dân tăng cường mở rộng diện tích. Trong quỹ đất phát triển nông nghiệp của địa phương, hàng năm, xã vận động nông dân chuyển đổi và mở rộng thêm khoảng 5 - 8 ha đậu đen, khả năng toàn xã có thể phát triển được khoảng 120 ha đậu đen.
Ông Nguyễn Văn Ngưỡng, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Ruộng vụ đông xuân của xã phải trồng lúa để đảm bảo lương thực, vụ hè thu thiếu nước trước đây dân bỏ hoang nay xã đã vận động người dân trồng các loại cây màu đem lại thu nhập khá, nhất là cây đậu đen và mướp đắng, mỗi sào cho thu hoạch trị giá 2 - 3 triệu đồng vụ hè thu.
Hai loại cây này đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Những năm tới, xã không chỉ mở rộng diện tích cây đậu đen mà còn chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất. Điều quan trọng là phải tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm đậu đen của người dân để cây đậu đen thực sự là cây chủ lực trong vụ hè thu của xã về lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có công điện khẩn yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng và các công ty thủy lợi khẩn trương chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng lấy nước đổ ải cho vụ đông xuân 2013 - 2014 từ ngày 14/1.

Đứng thẫn thờ nhìn ruộng lúa gần 20 ngày tuổi chết dần chết mòn, chị Phan Thị Hòa ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) quả quyết “Phải gieo lại thôi, chứ như thế này không cứu vãn được nữa”.

Những ngày này, bà con nông dân ở Câu lạc bộ (CLB) cây ăn trái Đồng Tiến (ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đang phấn khởi chuẩn bị bước vào thu hoạch cam, quýt phục vụ thị trường tết với giá bán cao.

Sở KH-CN Nghệ An phối hợp với Cty Nông nghiệp Xuân Thành triển khai dự án “Trồng thử nghiệm ổi xen cam” tại huyện Quỳ Hợp nhằm hạn chế tối đa khả năng xuất hiện và gây hại của rầy chổng cánh, tác nhân lan truyền bệnh Greening.

Chuẩn bị sẵn sàng phục vụ thị trường xoài Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, năm nay 42 xã viên của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 120 tấn xoài các loại, chủ yếu là xoài cát chu (xoài cát hòa lộc chỉ chiếm khoảng 10%).