Đảm Bảo Nước Tưới Cho Lúa Và Rau Màu

Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có công điện khẩn yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng và các công ty thủy lợi khẩn trương chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng lấy nước đổ ải cho vụ đông xuân 2013 - 2014 từ ngày 14/1.
Thực hiện chỉ đạo này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đơn vị cung ứng nước cho Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đã làm việc với 4 tỉnh, TP thống nhất kế hoạch tưới phục vụ sản xuất với tổng diện tích 97.000ha, trong đó diện tích lúa là 67.000ha.
Ông Đặng Duy Hiển - Giám đốc Công ty Thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, trước đây, trong quy hoạch và thiết kế, toàn bộ diện tích tưới trong hệ thống đều lấy từ cống Xuân Quan. Tuy nhiên, do đặc thù nhiều năm gần đây, việc xả nước các hồ thủy điện được tổ chức trong thời gian từ 2 - 3 đợt nhưng việc lấy nước trong hệ thống luôn phải diễn ra liên tục.
Chính vì vậy, ngoài việc lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, Công ty Thủy lợi Bắc Hưng Hải còn tổ chức lấy nước từ sông Luộc qua cống Cầu Xe, cống An Thổ (Hải Dương) để phục vụ cho khu vực cuối của hệ thống. Đây là một phương thức lấy nước ngược đã mang lại hiệu quả rất cao, bởi trong số toàn bộ diện tích 97.000ha của hệ thống thì có 40% được tưới từ nguồn nước sông Luộc.
Trong vụ đông xuân năm nay, để đảm bảo nước tưới cho lúa và hoa màu, Công ty Thủy lợi Bắc Hưng Hải đã tổ chức nạo vét toàn bộ các hệ thống kênh dẫn chính. Đồng thời kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, các trạm bơm chính bơm nước từ các sông Hồng và sông Thái Bình tiếp nước vào hệ thống.
Qua đó góp phần bổ sung nguồn nước trong các đợt xả nước qua phát điện các hồ thủy điện. Đặc biệt, Công ty còn bố trí kinh phí gần 10 tỷ đồng tổ chức nạo vét cửa khẩu kênh ngoài của các cống lấy nước ngay từ ngày 1/1 như: Xuân Quan, Cầu Xe, An Thổ, đảm bảo các công trình hoạt động bình thường khi lấy nước đổ ải đợt 1. Do đó về cơ bản đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất.
Theo kế hoạch, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ tăng lượng xả qua phát điện bổ sung nước về hạ du để các hệ thống công trình thủy lợi lấy nước phục vụ gieo cấy đông xuân 2013 - 2014 gồm 3 đợt, tổng cộng 19 ngày, trong đó đợt 1 từ ngày 14 - 18/1.
Có thể bạn quan tâm

Những hộ ương nuôi cá lóc ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) và xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) cho biết, nếu trước đây, nguồn cá lóc giống từ 300.0000 - 350.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung ứng nhu cầu người nuôi thì nay giảm chỉ còn 100.000 đồng/kg.

Đối mặt với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tràn lan từ những tháng đầu năm, nhưng gần đây con tôm đang từng bước phục hồi và đem lại hiệu quả cho địa phương này.

Cuối tháng 11 - thời điểm người dân vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau vào mùa thu hoạch cá sặc rằn (còn gọi cá bổi) cung ứng nhu cầu làm khô dịp Tết Nguyên đán 2014. Người dân đang kỳ vọng giá cá bổi ổn định ở mức cao, để có một cái Tết đầm ấm.

Từ đầu tháng 11 đến nay, ngành chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh miền Đông Nam bộ lao đao vì giá thịt và trứng rớt mạnh. Giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành khiến nhiều trang trại nuôi gà, vịt đã tính đến giải pháp “treo chuồng” để giảm lỗ.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn “từ nông trại đến bàn ăn” theo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap), Hải Phòng đạt kết quả tốt về xây dựng các nhóm GAHP và vùng chăn nuôi VietGap. Tuy nhiên, việc triển khai một số hợp phần khác của dự án vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hợp phần xây dựng cơ sở giết mổ an toàn, chợ an toàn thực phẩm. Ban quản lý dự án Lifsap đang triển khai các giải pháp để tăng tốc dự án.