Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nho Ninh Thuận Ngày Càng Teo Tóp

Nho Ninh Thuận Ngày Càng Teo Tóp
Ngày đăng: 22/07/2014

Có mặt trên vùng duyên hải Nam Trung Bộ khô hạn từ hơn 100 năm trước, cây nho ở Ninh Thuận được ví như cây trồng “nữ hoàng”, giúp người dân miền gió cát thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thực tế nho Ninh Thuận hiện chưa phát triển ngang tầm với danh hiệu độc tôn của nó.

Vào những năm hoàng kim của cây nho Ninh Thuận, người chuyên canh cây trồng này không ai không biết đến lão nông Ba Mọi, người đã đưa cây nho lên đỉnh cao với thương hiệu nho sạch nổi tiếng “Ba Mọi”.

Ông Ba Mọi tên thật là Nguyễn Văn Mọi, ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Cuối năm 2000, khi giống nho xanh NH01-48 được Trung tâm Nghiên cứu cây bông Nha Hố (hiện nay là Viện Nghiên cứu bông Nha Hố; Ninh Thuận) lai tạo thành công, ông Ba Mọi đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 ruộng của gia đình với kỹ thuật canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

Ông Ba Mọi thành công với thành quả: 1 kg nho xanh NH01-48 bán tại vườn với giá 13.000-15.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần nho đỏ Red Cardinal truyền thống đang được trồng đại trà. Với 1.000 m2, qua vụ đầu, ông thu được 0,7 tấn, sau đó tăng lên 1,2 tấn ở vụ thứ hai, rồi 1,5 tấn ổn định ở vụ thứ ba. Tết Nguyên đán năm 2003, lão nông Ba Mọi đưa sản phẩm nho sạch vào bày bán tại các siêu thị ở TP HCM.

Tại thị trường TP HCM, nho an toàn mang thương hiệu “Ba Mọi” được chấp nhận với giá bán trên 20.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với nho xanh nhập từ Thái Lan, Mỹ. Đến nay, thương hiệu nho của lão nông Ba Mọi vẫn giữ vững chỗ đứng trên thị trường trong nước.

Tuy nhiên, rất hiếm người làm được như ông Ba Mọi. Nhiều nông dân ở Ninh Thuận từng hơn chục năm gắn bó với nghề trồng nho nay không khỏi ngỡ ngàng khi cây trồng được mệnh danh là “nữ hoàng” có ngày lại suy thoái trầm trọng.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, từ diện tích gần 2.300 ha, hiện diện tích nho đỏ toàn tỉnh giảm còn chưa đến 750 ha với năng suất bình quân chưa đến 25 tấn/ha/năm (giảm rất nhiều lần so với trước đây).

Ông Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho rằng hiện cơ cấu giống ở Ninh Thuận còn đơn điệu; kỹ thuật canh tác của nông dân chưa hợp lý; khai thác nhiều vụ/năm để tăng lợi nhuận là những nguyên nhân chính làm suy thoái cây nho.

Tại hội thảo “Định hướng phát triển cây nho Ninh Thuận” do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuối tuần qua, ông Ngô Xuân Trinh, chuyên gia Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng tỉnh Ninh Thuận cần nhanh chóng thành lập trung tâm nghiên cứu về nho để xây dựng tập đoàn giống nho. Quan trọng nhất là khuyến cáo nông dân giảm “bóc lột” sức khỏe của cây nho.

Còn Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông Nha Hố, ông Lê Trọng Tình, khuyến cáo để phát triển cây nho Ninh Thuận, cần lai tạo thêm nhiều bộ giống mới chứ không chỉ duy trì một giống như hiện nay. Đồng thời phải gấp rút nghiên cứu chuyển dịch giống nho, từ chỗ chỉ trồng nho ăn trái sang mở rộng diện tích trồng nho rượu để có thể phát triển một cách bền vững.

Về chất lượng trái nho Ninh Thuận sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, ông Trần Mạnh Xuyến, Giám đốc hệ thống đại lý sản phẩm nông nghiệp Bác Tôm (Hà Nội), cho rằng chỉ dẫn địa lý là cái mác bảo đảm chất lượng trái nho khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay là sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, người trồng nho không áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất nên trái nho không đạt tiêu chuẩn. “Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp kiểm soát chất lượng trái nho tươi của bà con nông dân để thương hiệu nho Ninh Thuận không bị lụi tàn” - ông Xuyến đề xuất.


Có thể bạn quan tâm

Cảnh Báo Phong Trào Nuôi Tôm Tự Phát Cảnh Báo Phong Trào Nuôi Tôm Tự Phát

Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng liên tiếp được đào mới từ những rẫy mía ven Sông Hậu thuộc địa bàn huyện Long Phú và Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

13/01/2014
Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại

Cũng như bao vùng quê khác ở vùng Đồng bằng sông Hồng, nghề làm vườn và kinh tế VAC ở Vĩnh Phúc đã có từ lâu đời. Những tên đất, tên miền gắn với từng sản vật đã trở nên nổi tiếng như dứa Hướng Đạo, vải Can Bi, cá Đầm Rưng... Bắt nhịp với truyền thống đó, ngay từ khi mới thành lập, Hội Làm vườn (HLV) Vĩnh Phúc đã vận động, chỉ đạo nông dân và hội viên thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển vườn chuyên canh với những giống cây trồng cho hiệu quả, năng suất cao.

25/12/2013
Đài Loan Công Bố Công Nghệ Chẩn Đoán Sớm EMS Đài Loan Công Bố Công Nghệ Chẩn Đoán Sớm EMS

Đại học NationalChengKungUniversity tại Tainan, Đài Loan đã công bố công nghệ cho phép người nuôi tôm sớm xác định được vi khuẩn gây ra dịch bệnh EMS.

13/01/2014
Hiệu Quả Mô Hình Dạy Nghề Ở Hòa Phong (Đà Nẵng) Hiệu Quả Mô Hình Dạy Nghề Ở Hòa Phong (Đà Nẵng)

Xã Hòa Phong có hơn 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông. Năm 2010, qua khảo sát và điều tra, trên địa bàn xã có 2.000 người có nhu cầu học nghề. Từ đó, xã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, phân công và giao nhiệm vụ vận động nông dân học nghề cho cán bộ xã.

13/01/2014
Ông Trưởng Thôn Lũng Tao Làm Kinh Tế Giỏi Ông Trưởng Thôn Lũng Tao Làm Kinh Tế Giỏi

Bác Nhân luôn được bà con trong thôn tin yêu, kính trọng, 12 năm qua, Bác được nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Lũng Tao là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đổng Xá, những năm trước đây, gia đình bác Nhân cũng như các gia đình khác còn nghèo đói, có năm gia đình thiếu ăn vài ba tháng.

25/12/2013