Hiệu Quả Mô Hình Dạy Nghề Ở Hòa Phong (Đà Nẵng)

Sau 3 năm triển khai mô hình dạy nghề nuôi cá nước ngọt, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã vận động được hơn 70 học viên của 3 thôn Nam Thành, Khương Mỹ, Cẩm Toại Tây tham gia và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc làm giàu trên chính quê hương.
Xã Hòa Phong có hơn 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông. Năm 2010, qua khảo sát và điều tra, trên địa bàn xã có 2.000 người có nhu cầu học nghề. Từ đó, xã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, phân công và giao nhiệm vụ vận động nông dân học nghề cho cán bộ xã.
Từ năm 2010 đến nay, xã Hòa Phong đã tổ chức dạy nghề tổng cộng có 9 lớp nghề. Trong đó nuôi cá tại 3 thôn Nam Thành, Khương Mỹ, Cẩm Toại Tây (2 lớp); nuôi trồng nấm ăn tại các thôn Bồ Bản, Cẩm Toại Trung, Cẩm Toại Tây, An Tân, Dương Lâm 1, Cẩm Toại Đông và Thạch Bồ (3 lớp); nấu ăn (3 lớp) và 1 lớp trồng hoa cây cảnh; mỗi lớp gồm 30 - 40 học viên, đối tượng là người nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách và nông dân.
Trong mỗi giờ lên lớp, học viên được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, nắm bắt được những vấn đề về xây dựng mô hình, cải tạo ao hồ, đề phòng dịch bệnh, cách cho ăn đúng định lượng để thức ăn không bị lãng phí và ô nhiễm môi trường. Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: “Qua các lớp hướng dẫn hằng đêm, mặc dù bàn ghế, đèn điện còn thiếu thốn, nhưng bà con rất cố gắng tham gia đều đặn, sôi nổi cho đến cuối khóa học tất cả đều đạt kết quả tốt”.
Áp dụng thực tế tại thôn Nam Thành, nằm ở cánh tây của xã, đất đai tương đối rộng rãi, bằng phẳng, dân cư thưa thớt, không bị ngập lụt, gần hồ chứa nước Đồng Nghệ rất phù hợp cho việc đào ao nuôi cá. Nam Thành trong 3 năm qua là một điển hình về nuôi cá nước ngọt, giúp cải thiện đời sống kinh tế của người nông dân. Ông Nguyễn Tấn Yến (thôn Nam Thành), nuôi hơn 6.000 con cá diêu hồng trên diện tích 2.000m2.
Ông Yến cho biết: “Trung bình cứ 6 tháng xuất 2 lứa, thu về khoảng 100 triệu đồng/lứa, trừ chi phí lãi ròng còn 40 triệu đồng/lứa”. Ông Nguyễn Trí (thôn Nam Thành) nuôi cá trên 3.000m2, vừa xây căn nhà mới, phấn khởi nói: “Nếu không nuôi cá, giờ làm gì có tiền mà xây nhà. Nuôi cá hơn làm ruộng nhiều”.
Không chỉ có ông Trí, ông Yến, rất nhiều hộ dân đã thu lãi từ 15 - 100 triệu đồng cho một vụ cá như nhà ông Hồ Minh Đáng với diện tích 6.000m2 thu lãi gần 130 triệu đồng/lứa. Nhờ có tiền thu nhập từ nuôi cá, nhiều hộ dân Nam Thành mua xe, xây nhà, nuôi con học đại học.
Tuy đã đạt được nhiều thành quả, nhưng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hòa Phong vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Phan Thị Thu Hồng cho biết: “Hiện nay, do giá thức ăn chăn nuôi cao, khó khăn trong đầu ra, hầu hết do nông dân tự tìm bán, giá cả sản phẩm thấp, nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư nuôi.
Nhiều người dân do chưa am hiểu kỹ thuật nuôi, có hộ nuôi 2.000 - 3.000 con nhưng đến thời kỳ thu hoạch chỉ đạt vài ba tạ cá. Còn nhiều hộ chỉ dừng lại ở mức cải thiện bữa ăn gia đình, bên cạnh đó còn lúng túng về đối tượng nuôi, chưa theo kịp nhu cầu thị trường dẫn đến sản lượng thấp”.
Có thể bạn quan tâm

Tu hài là một loài nhuyễn thể sống ở biển và hiện đang được coi là một trong những sản phẩm vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân ở vùng biển Quảng Ninh...

Sáng 4.9, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổng kết mô hình Nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt vùng miền núi.

Dù lũ nhỏ, nhưng ngư dân vẫn trúng đậm những mẻ cá xát sông. Người dân chuyên đánh bắt cá mùa lũ trên địa bàn TP. Long Xuyên (An Giang) cho biết: Mùa này, lượng cá xát tập trung phía sau bè cá để ăn thức ăn thừa, chỉ cần dùng vợt xúc là dính. Cá xát sông kích thước nhỏ, thịt ngon, ngọt, được bạn hàng bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bưng thau cá dưới sông lên chợ bán, anh Trần Văn Hai (ngụ cồn Phó Ba) cho biết: “Mỗi buổi chiều, tôi xúc dính khoảng 5kg cá xát sông, bạn hàng thu mua với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, bỏ sở hụi cũng kiếm được gần 200.000 đồng/ngày”.

Do đặc điểm tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, bãi bồi ven biển ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh rất thích nghi nuôi nghêu thịt. Nuôi nghêu thịt đem lại lợi nhuận rất cao, ít rủi ro, ít tốn công chăm sóc, từ khi thả giống khoảng 10 - 14 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Đến đầu tháng 9, diện tích thả tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang hơn 98.410 ha, vượt 9,34% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 1.528 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến gần 20.000 ha và còn lại là tôm - lúa. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi hơn 32.400 tấn, đạt gần 58% kế hoạch, bằng 99% so cùng kỳ.