Lúa Thảo Dược VH1 Được Bao Tiêu Cả Hạt Lẫn Rơm

Sáng 19-5, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Trần Đức Tài cho biết, giống lúa thảo dược VH1 do Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa làm thí điểm tại địa phương, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ hạt lúa đến rơm rạ với giá khá cao.
Theo đó, vụ đông xuân 2013-2014 tại HTX Lộc Hạ, xã An Thủy, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa (Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An) phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương sản xuất thí điểm 35 ha lúa thảo dược VH1 (còn gọi là lúa tím) theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. 124 hộ nông dân tham gia sản xuất giống lúa tím này.
Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch đối với toàn bộ diện tích.
Hội thảo đầu bờ do doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức mới đây cho thấy, giống lúa VH1 đạt năng suất 60 tạ/ha. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá 8.500 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân lãi được hơn 1,5 triệu đồng/sào (tương đương hơn 30 triệu đồng/ha), cao hơn so với sản xuất đại trà bốn triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa thu mua toàn bộ rơm rạ với giá 800 nghìn đồng/sào.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, Phan Văn Khoa, đây là lần đầu tiên Quảng Bình trồng thử giống lúa thảo dược, bước đầu cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn các giống lúa thường.
Từ thành công của mô hình, có thể nhân rộng việc trồng lúa thảo dược trên cánh đồng mẫu lớn của các địa phương, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Được biết, giống lúa VH1 do ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH khoa học và công nghệ Vĩnh Hòa lai tạo. Ưu điểm của giống lúa này là cho sản phẩm gạo bảo đảm chất lượng, giàu chất xơ, omega 3, omega 6, canxi, giúp phòng chống ung thư, loãng xương và các bệnh về tim mạch, đặc biệt tốt cho người thừa cân.
Có thể bạn quan tâm

Thanh long đang vào mùa chính vụ và giá liên tục giảm trong những ngày qua. Mặc dù người trồng chấp nhận bán giá thấp nhưng cũng không dễ tìm đầu ra. Bài toán nan giải về chuyện thanh long rớt giá vào mùa thu hoạch chính vụ lại được đặt ra cho ngành chức năng.

Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Long, đến nay người dân đã đốn bỏ 1.908ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng đã già cỗi, khó phục hồi để chuyển sang giống nhãn khác hoặc cây trồng khác.

Nắng nhiều, mưa ít, nhiệt độ quanh năm cao kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp khiến Bình Thuận trở thành một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Thế nhưng một nghịch lý đang tồn tại, lượng nước tưới tiêu trong nông nghiệp ngày một giảm sút nhưng chính người nông dân lại đang phung phí nguồn nước quý hiếm bởi cách canh tác cây trồng chưa khoa học.

Với ưu thế dễ trồng, chịu hạn, ít sâu bệnh, thị trường đang thuận lợi… cây mít nghệ được huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) định hướng phát triển là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.

Cây chôm chôm là một cây trồng chủ lực của nông dân ở cù lao Tân Quy thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chính cây chôm chôm cũng đã đem lại hiệu quả cho kinh tế nông hộ. Hiện nay, bà con nhà vườn Tân Quy đang bước vào vụ thu hoạch chôm chôm.