Không Thành Lập Quỹ Bình Ổn Giá Nông, Thủy Sản

Bộ Tài chính vừa có văn bản giải trình về việc thành lập quỹ bình ổn giá nông, thủy sản.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, những năm qua, tình trạng giá nông, thủy sản (lúa, gạo, cà phê, cá tra, basa...) không ổn định, gây bất lợi cho người nông dân. Cử tri đề nghị có cơ chế thành lập quỹ bình ổn giá nông, thủy sản để thực hiện trợ giá khi thị trường có biến động.
Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá thì mặt hàng thóc, gạo thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá. Giá mặt hàng thóc, gạo nước ta hiện nay đang được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Cơ chế đó được thực thi với nội dung cơ bản là doanh nghiệp kinh doanh thóc, gạo được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường về giá. Mặt hàng cà phê, cá, tôm không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật giá.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá thì Nhà nước chỉ lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng: Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu diesel, dầu mazut; điện bán lẻ; thóc, gạo tẻ thường; không lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cà phê, thủy sản.
Về cơ chế thành lập quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu gạo. Việc hình thành quỹ sẽ huy động nguồn đóng góp chủ yếu từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để hỗ trợ cho các chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân trên toàn quốc.
Thông qua cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ triển khai các nội dung hỗ trợ cần thiết cho các địa phương có hoạt động sản xuất và tiêu thụ gạo.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 29-3, ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết, khoai lang tím Nhật đang được thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá từ 570.000 - 600.000 đồng/tạ; dù mức giá đã giảm khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tạ so thời điểm đầu tháng 2-2013, nhưng vẫn còn cao đảm bảo nông dân có lãi.

Cà Mau là 1 trong 21 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Chính phủ. BHNN như nguồn động lực lớn khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường.

Vụ nuôi thủy sản năm 2013, huyện Phước Long (Bạc Liêu) có 19.650 ha nuôi tôm. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở địa phương này chiếm tới 640 ha, tập trung ở hai xã Phong Thạnh Tây A và Phong Thạnh Tây B.

Đợt dịch tai xanh vừa qua tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có gần 4.400 con heo bị nhiễm vi rút Lelystad, trong đó 1.573 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Sau khi mầm bệnh được dập tắt, người chăn nuôi muốn mau chóng gầy dựng lại đàn gia súc (tái đàn) nhưng họ đang gặp phải khó khăn vì giá heo giống và heo choai nuôi thịt liên tục tăng lên...

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một diện tích đất trồng lúa dựa vào nguồn nước trời và thực tế thu hoạch khá bấp bênh. Giống lúa P6 đột biến bén duyên với mảnh đất Quảng Nam bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân.