Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Nuôi Cá Lăng Trong Lồng Trên Hồ Chứa

Hòa Bình là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thuỷ sản như hệ thống sông suối, ao, hồ tương đối nhiều và phân bố khá đồng đều, với tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 2.450 ha. Ngoài ra, các hồ chứa có nguồn nước dồi dào, môi trường trong sạch, chưa bị ô nhiễm, nguồn lợi phong phú, giàu dinh dưỡng nên rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài cá kinh tế và cá bản địa.
Nhằm tận dụng những tiềm năng, lợi thế nói trên, năm 2013 bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Hòa Bình đã triển khai mô hình nuôi cá lăng trong lồng, hướng tới mục tiêu phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, tăng thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống nhân dân; từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Mô hình nằm trong khuôn khổ của dự án nuôi cá lồng hồ chứa tại hồ Hòa Bình. Mô hình được thực hiện tại 02 xã: Thung Nai (huyện Cao Phong) và xã Thái Thịnh (thành phố Hòa Bình), với tổng quy mô 100m3, có 02 hộ dân tham gia, đây là những hộ có điều kiện và có hệ thống lồng bè đáp ứng yêu cầu của mô hình.
Tham gia mô hình mỗi hộ được cấp 500 con giống cá lăng đạt tiêu chuẩn chất lượng và được hỗ trợ thức ăn, vôi, thuốc hoá chất để cải tạo môi trường nước nuôi và phòng trị, bệnh cho cá. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình, ứng dụng tốt kỹ thuật từ cách xây dựng lồng bè, kỹ thuật nuôi cá thương phẩm đến cách chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá...
Trong suốt quá trình thực hiện, cán bộ phụ trách mô hình thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát những hộ tham gia thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình đề ra. Sau khoảng 9 tháng nuôi tỷ lệ sống trung bình đạt 81,9 %; sản lượng thu ước đạt 1.023 kg cá thương phẩm; năng suất trung bình khi thu đạt 10,2 kg/m3, lợi nhuận trung bình 37.000 đồng/m3 trong một vụ nuôi.
Theo đánh giá, kết quả mô hình đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đề ra, bước đầu đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, phù hợp với những địa phương có ưu thế hồ chứa và mặt nước lớn. Đây là cơ sở quan trọng, rút kinh nghiệm để xây dựng và nhân rộng mô hình ở những năm tiếp theo trên địa bàn huyện Cao Phong và Thành phố Hòa Bình cũng như trong toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Cam Xã Đoài là đặc sản riêng có ở Nghệ An và là niềm tự hào của người dân xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc). Giống cam này trước đây chỉ trồng ở xã Nghi Diên, nhưng những năm gần đây được các nhà khoa học và nông dân chiết ghép, lai tạo, đưa đến trồng và nhân rộng ở các địa phương khác trong tỉnh.

Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có thế mạnh là kinh tế vườn, dù những năm qua giá cả nông sản nói chung và cây trái nói riêng thường biến động, nhưng xoài vẫn được xác định là cây trồng cho thu nhập cao và ổn định. Vì vậy trong kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của xã giai đoạn 2015 - 2020, địa phương tiếp tục duy trì các vườn cây ăn trái đạt hiệu quả cao.

Bệnh đốm nâu trên cây thanh long đã xảy ra ở 17/18 xã, thị trấn của huyện Bắc Bình (Bình Thuận) gây thiệt hại cho người trồng thanh long. Thực hiện Tháng hành động vệ sinh vườn thanh long, vừa qua Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bắc Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có việc thực hiện mô hình ủ cành, quả thanh long bị bệnh làm phân hữu cơ.

Tết Ất Mùi 2015, sẽ là năm thứ 02 mà một số nhà vườn ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đưa sản phẩm bưởi năm roi tạo hình ra ngoài thị trường. Những trái bưởi năm roi được tạo hình hồ lô có chữ tài-lộc, phúc-lộc-thọ hoặc hình thỏi vàng… có giá gần 01 triệu đồng/cặp (loại I) và đang được người tiêu dùng ở các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội Cần Thơ… tìm đến.

Tại nhiều địa phương của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn, người dân đang trồng cây thanh long. Trước đây, theo quan niệm của nhiều người, loại cây này chỉ phù hợp khí hậu ở miền nam nhưng khi được đưa về trồng ở vùng đất núi, cây thanh long đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.