Cá Chết Hàng Loạt Người Nuôi Cá Mú Lồng Khốn Đốn Ở Xã Bình Thuận (Quảng Ngãi)

Nghề nuôi cá mú lồng dọc cửa sông Đầm đã có từ nhiều năm nay, và thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Thế nhưng, nhiều ngày nay cá chết hàng loạt khiến nông dân khốn đốn…
Giữa cái nắng gay gắt của trưa tháng 5, hàng chục hộ dân nuôi cá ở khu vực cửa sông Đầm hì hục lôi những lồng cá dưới sông lên để vớt cá chết ra khỏi lồng. Nhìn cá chết hàng loạt, nông dân Đinh Văn Lợi tặc lưỡi chua xót: Không biết cá bị bệnh gì mà thân bị lở loét rồi chết nổi trắng lồng. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gần cả năm trời đều tập trung cho 5 lồng cá này, giờ coi như “đi đời” cả rồi.
Không riêng gì anh Lợi mà hơn chục hộ dân nơi đây đang có nguy cơ trắng tay nếu tình trạng cá chết kéo dài, không tìm ra biện pháp khắc phục. Ông Dương Tấn Đua, một trong những hộ nuôi nhiều cá mú lồng chia sẻ: Năm 2011, gia đình tôi nuôi 4 lồng cá mú. Sau một năm, tôi thu về gần 40 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. So với những công việc khác của nhà nông thì nghề nuôi cá mú lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thấy nuôi cá có lãi nên giữa năm 2012 ông Đua vay thêm tiền để tiếp tục đầu tư nuôi 7 lồng cá mú (gần 1.000 con). Đến nay cá của ông đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch, trị giá gần trăm triệu đồng. Thế nhưng, số lượng cá chết cứ tăng lên mỗi ngày. “Tôi sợ đợi đến ngày thu hoạch cá sẽ chết hết”, giọng ông Đua chua chát.
Còn anh Lê Quang Khanh – một “chuyên gia” đã có thâm niên trên 10 năm nuôi cá mú lồng cho hay: Thấy cá chết với tốc độ chóng mặt, chúng tôi hoang mang quá. Bởi chưa bao giờ tôi gặp tình trạng cá chết nhiều như hiện nay. Được biết hiện tại anh Khanh có 14 lồng cá, trong đó cá sắp đến thời kỳ xuất bán là 7 lồng, nhưng đã chết gần hết, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng.
Theo những hộ nuôi cá mú lồng ở đây thì tình trạng cá bị chết đã xảy ra từ cuối năm 2012, nhưng chỉ xảy ra ở một số hộ khi cá còn nhỏ. Tuy nhiên, trong vòng một tháng trở lại đây thì tình trạng cá chết đã lan ra trên diện rộng. Hiện nay ở thôn Tuyết Diêm 2 có khoảng 20 hộ nuôi cá mú với gần 100 lồng. Nhưng sau một thời gian ngắn bùng phát bệnh thì số lượng cá chết đã chiếm trên 50%, số lượng cá còn lại cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Hơn lúc nào hết người nuôi cá mú lồng ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận đang rất cần sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng, sớm tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục để người chăn nuôi an tâm bám nghề.
Với giá bán từ 250.000 – 270.000 đồng/kg như hiện nay, cá mú đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nuôi. Nhờ nghề nuôi cá mú lồng mà nhiều hộ dân ở xã Bình Thuận có cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng giờ đây trước tình trạng cá chết hàng loạt, “cần câu cơm” của nhiều nông dân Bình Thuận đang lung lay.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.

Thời gian gần đây do nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, lợi nhuận cao nên một số hộ dân ở Bình Đại (Bến Tre) tự phát đào ao, khoan giếng nước mặn nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch, có lúc lên đến trên 1.000 giếng khoan. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Chỉ thị số 05, UBND huyện Bình Đại có Kế hoạch số 2184 nhằm khắc phục những bất hợp lý vừa qua.

Giải pháp “Ứng dụng phương pháp cho ăn gián đoạn để giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi cá tra thương phẩm” của ThS. Phạm Thị Thu Hồng và cộng sự thuộc Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã đạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ IV, năm 2012- 2013.

Mong muốn mua được thịt, cá an toàn của người dân TPHCM sẽ khó đạt được vì cơ quan quản lý không thể kiểm soát chặt do vướng phải những quy định pháp luật.