Thống kê / Mô hình kinh tế

Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc rào cản mới

Ngày đăng: 05/11/2015

Theo thông tin của Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, từ ngày 1/1/2017, nước này sẽ áp dụng quy định quản lý mới đối với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nông sản thực phẩm nhập khẩu.

Cụ thể: Hàn Quốc đưa ra hệ thống danh mục thuốc (PLS) để quản lý thuốc BVTV chưa được đăng ký.

Nếu thuốc BVTV không đăng ký hoặc chưa được thiết lập mức giới hạn (MRLs) sẽ chịu mức mặc định là 0,01ppm (một phần triệu).

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiquad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc áp dụng danh mục PLS sẽ hạn chế số lượng, chủng loại thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam.

Trong đó, nhiều loại chưa được đăng ký theo quy định mới nên sẽ bị áp mức mặc định 0,01ppm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp khi sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chủ lực (cà phê, lạc nhân, điều…) sang Hàn Quốc.

Dẫn chứng của Nafiquad cho thấy: Hàn Quốc đã quy định MRLs cho 29 loại hoạt chất thuốc BVTV trên cà phê nhưng từ năm 2017, danh sách PLS chỉ còn 2 loại được thiết lập MRLs.

Điều này đồng nghĩa với việc ngoài 2 loại trên thì tất cả các hoạt chất còn lại đều chịu mức MRLs cao.

Được biết, tại Hàn Quốc, việc đăng ký đối với mỗi loại thuốc BVTV trên từng sản phẩm thực phẩm cụ thể sẽ do các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Tuy nhiên, theo Nafiquad, nhà nước không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc BVTV tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc để thiết lập MRLs, nên không có cơ sở để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

Hơn nữa, quy trình đăng ký và thiết lập mức MRLs của nước này cho hoạt chất thuốc BVTV tốn nhiều thời gian và kinh phí.

Theo đó, Hàn Quốc quy định thời gian thẩm tra hồ sơ đăng ký 3 lần/năm, thiết lập MRLs mất 1 năm với chi phí 30.000 USD; thời gian xem xét thay đổi hoặc miễn MRLs mất 210 ngày cùng chi phí 10.000 USD.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp, không chỉ hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam bị tác động mạnh bởi quy định mới này mà hơn thế, các cam kết giảm thuế cho nông sản Việt từ VKFTA sẽ trở nên vô nghĩa.

Nhà nước không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc BVTV tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc để thiết lập MRLs, nên không có cơ sở để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.


Có thể bạn quan tâm