Thống kê / Mô hình kinh tế

Xen canh giảm nỗi lo thất mùa, mất giá

Ngày đăng: 25/04/2015

Trồng xen ớt trong vườn cao su chưa khép tán đang là giải pháp hữu hiệu giúp nhiều nông hộ ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn có nguồn thu ổn định

“Vị ngọt” của ớt

Nhanh tay thu hoạch lứa ớt chín đỏ để thương lái kịp tới thu gom, ông Trần Văn Lực ở tổ 4, ấp Thạnh Tây nhớ lại, thời điểm cháy hàng, giá ớt lên tới 60 - 70 ngàn đồng/kg. Thương lái khắp nơi đổ đến thu mua nhưng không đủ bán. Hiện giá ớt chỉ còn 15 - 20 ngàn đồng/kg. Mặc dù giảm một nửa nhưng nhiều hộ trồng ớt ở đây cũng có lãi bình quân 50 - 60 triệu đồng/vụ/năm, sau khi trừ chi phí.

“Trước đây, khi cao su mới xuống giống, gia đình tôi tận dụng đất trong vườn chưa khép tán để trồng ớt. Cao su lớn, không trồng xen được nữa, tôi thuê đất các hộ bên cạnh tiếp tục trồng. Thuê 4 sào đất trồng ớt, hàng năm tôi thu khoảng 7 tấn trái. Trồng ớt đã 10 năm nay, giá cả cũng lên xuống thất thường nhưng năm được bù năm mất, lấy công làm lãi nên chưa năm nào gia đình tôi thất thu” - ông Lực cho biết.

Chia sẻ quy trình trồng và chăm sóc cây ớt chỉ thiên, ông Lực cho hay: “Lợi thế của cây ớt chỉ thiên là ít vốn đầu tư, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, lại cho thu hoạch liên tục trong 8 tháng đến khi cây già cỗi thì phá bỏ trồng mới. Hiện thị trường tiêu thụ ớt lớn, sau khi thu hái có thương lái ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và chợ trong huyện Lộc Ninh đến tận vườn thu mua nên không sợ ế”.

Thấy nhiều hộ trồng ớt hiệu quả, anh Phạm Minh Thuận tận dụng 3 sào đất trồng cao su năm thứ hai để xuống giống. Năm đầu trồng, anh Thuận học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc và phòng trị bệnh nên vườn ớt luôn sai trái, không bị sâu bệnh. Anh Thuận ước tính năm nay cũng lãi khoảng 40 triệu đồng.

Theo anh, nếu có đầu ra, chỉ cần giá ổn định từ 20 ngàn đồng/kg trở lên thì người trồng ớt sẽ thu nhập khá. Trồng ớt xen trong vườn cao su giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại và tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, nhất là tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi.

“Cây ớt thường gặp bệnh thán thư gây thối trái, vì vậy, cần chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh để có những giải pháp xử lý kịp thời. Sau mỗi vụ thu hoạch cần bón phân bổ sung chất dinh dưỡng để cây hồi phục cho lứa trái tiếp theo. Để cây phát triển tốt, điều quan trọng nhất là bảo đảm nước tưới thường xuyên, cách 2 - 3 ngày tưới một lần. Trước khi trồng nên lên luống cao ráo, rãnh thoát nước tốt” - anh Thuận chia sẻ.

Xen canh các loại rau

Với 3 sào đất trồng xen các loại rau, gia đình bà Võ Thị Mỹ Lệ ở ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành) có nguồn thu trên 60 triệu đồng/năm.

Bà Lệ cho biết: “Ban đầu trồng xen một số loại rau để cải thiện bữa ăn. Khi ăn không hết thì bán cho các hộ gần nhà. Biết rau trồng tại nhà, không phun thuốc bảo vệ thực vật nên người dân trong ấp thường xuyên đến mua. Tận dụng 3 sào đất trống cạnh suối, gia đình tôi trồng xen rau ngót, rau thơm, khổ qua, mướp, bầu, đậu đũa, bạc hà...”.

Rau của gia đình bà Lệ chủ yếu bỏ mối tại chợ Minh Lập với giá cả phải chăng, được người dân ưa chuộng. Vì gần suối nên mùa nắng rau vẫn được cung cấp đủ nước tưới, cho thu nhập cao hơn mùa mưa. Từ bán rau các loại gia đình bà Lệ có nguồn thu mỗi ngày. Bên vườn rau xanh mướt, bà Lệ vui vẻ: “Từ khi trồng rau đến nay chưa bao giờ tôi bị ế hàng, thậm chí không đủ bán. Nhờ trồng rau mà mỗi năm gia đình tôi thu thêm khoảng 60 triệu đồng”.

Từ việc trồng xen các loại cây ngắn ngày, nhiều nông hộ không chỉ giảm nỗi lo thất mùa, mất giá mà còn tận dụng được đất để tăng thêm nguồn thu nhập. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân chống chọi với thời điểm cao su rớt giá như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm