Thống kê / Mô hình kinh tế

Vườn Cam Sành Kiểu Mẫu Cho Hiệu Quả Cao Ở Kế Sách (Sóc Trăng)

Ngày đăng: 12/06/2014

Với diện tích đất ruộng gần chục công là không ít đối với 1 nông hộ, sau nhiều năm trồng lúa, cuộc sống gia đình ông Võ Văn Tiến ở ấp 5B xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng tuy không khó khăn lắm nhưng chẳng có dư để tích lũy.

Qua tìm hiểu các mô hình sản xuất hiệu quả, năm 2005 ông Tiến quyết định lên liếp trồng thử 5 công cam sành. Nhờ có đê bao khép kín chủ động nước tưới tiêu, cây cam sành lại thích nghi với vùng đất xã Ba Trinh và nhờ được Trạm khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật như cách chọn cây giống sạch bệnh, trồng cây tạo bóng mát, xịt thuốc, tỉa cành, bón phân, xử lý ra hoa, chống rụng trái non... nên vườn cam Sành của ông Tiến phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.

Sau 2 năm rưỡi chăm sóc, vườn cam của ông cho thu hoạch lứa đầu tiên bán được 170 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Vườn cam của tôi đã được 2 năm rưỡi, tôi để trái bán cũng được 4-5 tấn, giá 17.000 đồng/kg. Tôi ước năng suất năm tới khoảng hơn 10 tấn, với giá như hiện nay thì tôi lời khoảng 100 triệu”.

Năm 2009 sản lượng và giá cam thương phẩm tăng cao nên sau khi trừ chi phí còn lãi gần 60 triệu đồng/công. Thấy có hiệu quả, ông Tiến tiếp tục trồng thêm 5 công cam sành nữa với gần 800 gốc. Hiện vườn cam sành mà ông Tiến trồng đợt 2 sắp cho thu hoạch vụ đầu tiên ước đạt khoảng 5 tấn trái, với giá 17.000 đồng/kg sẽ lãi hơn 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thu cho biết: “Theo tôi biết, ở ấp 5B này vườn cam của ông Tiến đã được 2 năm rưỡi rồi, cây cho trái sum xuê. Tôi cũng đang học hỏi kỹ thuật của ông Tiến để trồng cây cam sành”.

Vườn cam sành của ông Võ Văn Tiến được ngành nông nghiệp Kế sách công nhận là mô hình “Vườn cây ăn trái kiểu mẫu” vì đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Trạm Khuyến nông huyện đang chọn mô hình này làm điểm cho nông dân trong huyện tham quan học tập.

Hiện xã Ba Trinh có trên 240 ha trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao tập trung nhiều ở ấp 5B, tuy nhiên số diện tích đạt tiêu chuẩn vườn cây ăn trái kiểu mẫu vẫn còn khiêm tốn bởi nông dân quen canh tác theo tập quán cũ.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhu - Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Kế Sách cho biết: “Huyện Kế Sách có 3 xã được tỉnh chọn xây dựng nông thôn mới. Đối với 3 xã này UBND huyện chỉ đạo mỗ xã phải thực hiện được một mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu, An Lạc Tây là cây nhãn, Xuân Hòa là cây bưởi da xanh và Ba Trinh là cây cam sành.

Tính đến thời điểm này thì mô hình kiểu mẫu ở xã Ba Trinh bước đầu đạt hiệu quả rất là tốt và tới năm 2015 bằng các nguồn kinh phí cũng như các nguồn của chương trình khuyến nông chúng tôi cố gắng triển khai khoảng 10 ha mô hình vườn mẫu đối với cây cam sành tại xã Ba Trinh”.

Tin rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, những hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân, việc xây dựng 10 ha vườn cây ăn trái kiểu mẫu ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng sẽ đạt kế hoạch đề ra, theo đó góp phần hoàn thành các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015.


Có thể bạn quan tâm