Thống kê / Tin nông nghiệp

Trồng sương sâm trong vườn xoài

Tác giả: Hoài Phương
Ngày đăng: 16/12/2019

Sương sâm thuộc loài dây leo, lá màu xanh lục, có tên khoa học là Tiliacora triandracum. Người dân vùng Bảy Núi An Giang thường gọi sương sâm là “dây lá mối” mọc tự nhiên trong rừng, trên núi hoặc các khu vườn hoang dại. Gần đây, nhiều người đã nhân giống trồng phổ biến trong vườn nhà để lấy lá chế biến thành thạch sương sâm.

Ông Út Quýt ở ấp Ba Xoài, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã gieo trồng trong vườn xoài của ông trên 360 dây sương sâm. Muốn cho cây phát triển mạnh, màu lá xanh tốt ông phải làm giàn, bón phân chuồng và tưới nước thường xuyên. Nhờ vậy mà ngày nào cũng có tiền chợ, mỗi năm thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng. Ông cho biết, trồng sương sâm trên vùng Bảy Núi đầu ra rất ổn định, bình quân 1 kg lá tươi có giá từ 40.000 đồng trở lên nhưng không đủ bán.

Hiện nay, đa số bà con đều trồng sương sâm bằng cây con, giá 2.000 đồng/bầu, nhưng không phải ai trồng cũng thành công. Theo ông Út Quýt, trồng sương sâm tuy dễ kiếm tiền, thu hoạch quanh năm nhưng dây thường bị “đột tử”, héo dây chết đồng loạt mà không biết nguyên nhân, hiện chưa có loại thuốc nào để phòng trừ. Do đó, những lúc hút hàng giá lên tới 70.000 - 100.000 đồng/kg.

Theo kinh nghiệm dân gian, thạch sương sâm rất mát, nhất là mùa nóng nực, ăn vào giúp cơ thể thanh nhiệt. Về thành phần hóa học, chưa thấy có tài liệu nghiên cứu, nhưng theo y học cổ truyền, sương sâm có tác dụng giải nhiệt, nhuận gan, không độc.

Muốn làm thạch sương sâm, người ta dùng lá rửa sạch (khoảng 100 g cho 3 lít nước) rồi dùng tay vò nát trong một thau nước chín để nguội. Nước ra càng đậm đặc, sương sâm càng dai và ngon. Sau khi vò xong, lọc lấy phần tinh khiết, sau 1 - 2 giờ nước sẽ bắt đầu cô đọng. Nếu cho vào tủ lạnh càng mau đặc hơn. Để phân biệt, chúng ta thấy sương sáo có màu đen còn sương sâm thì màu xanh lợt, trong và dai.


Có thể bạn quan tâm