Reports / Mô hình kinh tế

Tiền Tỷ Từ Ba Ba Ở Yên Bái

Publish date: Sunday. June 10th, 2012

Xuất hiện ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) từ năm 1991, giờ đây chăn nuôi thuỷ đặc sản ba ba đang trở thành một nghề mang lại thu nhập tiền tỷ. Nhiều gia đình ở đây có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng là nhờ nuôi ba ba.

Nghề nuôi ba ba được du nhập vào thị trấn Nông trường Trần Phú từ những năm 1991, 1992. Lúc đầu ở đây chỉ có vài hộ nuôi, sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên người dân lấy con ba ba là con xóa đói, giảm nghèo.

Đến nay, toàn thị trấn có 420 hộ nuôi với doanh thu năm 2011 là trên 9 tỷ đồng, năm 2012 này thị trấn phấn đấu đạt 11 tỷ đồng. Theo các hộ chăn nuôi thì nuôi ba ba không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi nghiêm ngặt, có kinh nghiệm và diện tích mặt nước, nguồn nước phải được đảm bảo đặc biệt là phải có nguồn nước sạch.

Hiện nay ở thị trấn Nông trường Trần Phú xuất hiện nhiều hộ gia đình nuôi ba ba quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm như hộ gia đình ông: Nguyễn Hoành Cương, Nguyễn Mạnh Hùng ở tổ dân phố 10A; Nguyễn Văn Cường, tổ dân phố Trung Tâm; Phạm Văn Vê, tổ dân phố 10B…

Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: “Ba ba đối với thị trấn chúng tôi giờ không chỉ là con giảm nghèo mà còn là con làm giàu. Với mục đích hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, con giống, giúp nhau phát triển kinh tế… xây dựng thị trấn là điểm cung cấp ba ba giống cho các xã vùng ngoài của huyện, vừa qua, thị trấn thành lập hội nuôi ba ba với trên 100 hội viên tham gia”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở tổ dân phố Trung Tâm, là hộ nuôi ba ba với quy mô tập trung lớn nhất, nhì thị trấn. Được biết, ông bắt đầu nuôi ba ba thương phẩm từ năm 2001 nhưng với diện tích ao nhỏ nên chỉ nuôi trên dưới 30 con. Thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2008 ông nhận thầu hồ gần nhà đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi ba ba sinh sản rộng 1.600 m2 và bắt đầu mua ba ba giống về nuôi.

Để phục vụ việc ấp nở trứng ba ba, ông Cường xây dựng nhà ấp trứng hiện đại với hệ thống đo nhiệt độ, độ ẩm tự động điều chỉnh. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi trên 100 con ba ba thương phẩm và 50 con ba ba sinh sản, mỗi năm thu nhập từ đây sau khi đã trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình ông 400 - 500 triệu đồng.Ông Cường tâm sự: “Ba ba sinh sản một năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa nhà tôi thu được trên 700 quả trứng. Giá bán hiện nay từ 600.000 - 700.000 đồng/baba con.

Như vậy, một lứa nhà tôi cũng thu được trên 400 triệu đồng. Nhờ có con vật này mà cuộc sống của gia đình tôi đầy đủ hơn. Con ba ba đã giúp chúng tôi xây được nhà với các trang thiết bị hiện đại và mua được cả ô tô…”. Được biết, nhà ông Cường có 5 anh em thì hiện nay cả 5 người đều nổi tiếng giàu có ở thị trấn này với nghề nuôi ba ba.

Để các hộ gia đình có điều kiện phát triển nghề này, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, mở rộng quy mô phát triển kinh tế trang trại nuôi ba ba.

Các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi để giúp người dân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng ba ba. Ngoài ra, Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp với ngân hàng giúp các hộ được vay các nguồn vốn ưu đãi để tập trung đầu tư phát triển kinh tế.

Related news