Thống kê / Mô hình kinh tế

Thực Hiện Hiệu Quả Quy Trình Ruộng Lúa Bờ Hoa Ở Thành Phố Cà Mau

Ngày đăng: 03/01/2013

Mô hình ruộng lúa bờ hoa được Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai tại xã An Xuyên và Lý Văn Lâm bước đầu cho năng suất cao, bình quân trên 6 tấn lúa/ha, lợi nhuận từ 19 - 21 triệu đồng/ha.

Thành công của mô hình là nuôi dưỡng các loài thiên địch sâu hại, sử dụng thuốc hoá học theo “4 đúng”, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Từ đó, giúp cây lúa phát triển tốt mà không bị các loại bệnh tấn công, nâng cao năng suất.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuyên, cho biết, mô hình này áp dụng đúng theo quy trình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng, quản lý sâu rầy, dịch bệnh đúng theo IBM. Mô hình này khác với mô hình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng ở chỗ có trồng thêm các loài hoa xung quanh bờ bao với mục đích dẫn dụ các loài sinh vật để diệt trừ sâu bệnh hại và một số côn trùng có ích, khống chế sâu, rầy, dịch bệnh trên ruộng lúa, bảo vệ cây lúa phát triển tốt.

Theo quy trình, người thực hiện mô hình sẽ trồng hoa trước khi sạ lúa từ 25 - 30 ngày. Hoa được trồng phải có màu vàng, có nhiều hoa và lượng hoa trổ phải rải đều trong nhiều ngày ở giai đoạn lúa đang đẻ nhánh và đứng cái, làm đòng. Theo mô hình, 4 loại hoa được trồng là hoa sao nhái, hoa quỳnh, hoa vạn thọ và đậu bắp. Riêng đậu bắp có hoa mang tính chất dẫn dụ các loài sinh vật diệt trừ sâu hại mà còn cho trái dùng làm thực phẩm, tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Chị Lâm Thị Bích Phượng, Trạm Bảo vệ thực vật thành phố, phân tích: “Trong các loại hoa thì hoa màu vàng có tính chất dẫn dụ các loài sinh vật có khả năng diệt trừ các sâu bệnh hại cao nhất nên tại mô hình thuộc 2 xã An Xuyên và Lý Văn Lâm được sử dụng 4 loại hoa trên.

Ngoài ra, hoa còn tác dụng thu hút các loại côn trùng tấn công các loại sâu rầy gây hại nên trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, không xảy ra dịch bệnh”.

Anh Nguyễn Văn Hỏi, ấp Tân Thuộc, trồng lúa liền kề với mô hình ruộng lúa bờ hoa, cho biết, cùng làm 1 loại giống nhưng trên đồng ruộng của anh xuất hiện sâu cuốn lá nhiều, hiện tượng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông nên năng suất giảm so với mô hình ruộng lúa bờ hoa. Còn trong ruộng lúa bờ hoa thì không có các hiện tượng trên.

Nhờ trồng hoa trên bờ bao nên từ khi gieo sạ lúa đến giai đoạn trưởng thành và thu hoạch không xuất hiện sâu rầy. Các hộ thực hiện không tốn chi phí cho thuốc, không có bệnh xảy ra nên cây lúa khoẻ, tốt. Từ đó năng suất của mô hình này tăng lên 0,2 tấn/ha so với ruộng lúa đại trà và tăng thu nhập bình quân lên 2,1 triệu đồng/ha.

Về hiệu quả của mô hình, ông Phan Hoàng Minh, Phòng Kinh tế TP Cà Mau, cho biết: “Việc áp dụng quy trình sản xuất ruộng lúa bờ hoa so với lúa sản xuất đại trà đem lại lợi nhuận cao hơn và giảm được thuốc bảo vệ thực vật. Tính bình quân 1 ha tiết kiệm được từ 1 - 1,2 triệu đồng. Năm 2013, phòng sẽ nhân rộng mô hình này trong các xã của thành phố để tăng thu nhập cho nông dân”.

Ngoài hiệu quả về kinh tế trên cây lúa, nhiều hộ còn trồng xen kẽ thêm bí đỏ, bí đao trên bờ liếp cho thu nhập cao, mang lại phấn khởi cho nông dân tham gia mô hình.


Có thể bạn quan tâm