Thống kê / Mô hình kinh tế

Thu tiền tỷ nhờ trồng đặc sản

Ngày đăng: 12/08/2015

Ông Tân chia sẻ: “Bơ là loại cây trồng khá khó tính nên Đồng Nai có ít người trồng. Tôi đã lặn lội nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng giống đặc sản này. Tôi cũng bỏ thời gian trồng thử nghiệm để chọn lọc được những giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương”. Đến nay, ông Tân đã phát triển được khoảng 2,5 hécta các giống bơ đặc sản được thị trường ưa chuộng, như: bơ sáp, bơ giống Mỹ. Trong đó, giống bơ “khủng” có trọng lượng từ 1,2-1,6 kg/trái do ông lai tạo ra nhờ hình thức lạ, chất lượng ngon nên thương lái luôn trả giá cao để thu mua.

Theo ông Tân, giống bơ “khủng” này còn có đặc điểm là cho ra trái quanh năm, thu hoạch trái vụ nên thường bán được giá đến 50 ngàn đồng/kg. Ông còn “điều khiển” để giống bơ này cho thu hoạch vào vụ tết, có thời điểm sốt giá đến 90 ngàn đồng/kg. Hiện ông tiếp tục trồng thêm bơ booth, giống bơ đang “sốt” trên thị trường vì có hình thức trái đẹp, bơ dẻo, độ béo cao. Ông Tân tính toán:“Trung bình 1 hécta cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Đây đang là giống cây đặc sản đứng đầu về lợi nhuận”.

Kể về những thăng trầm trong mấy mươi năm làm nông, ông Tân nhận xét: “Nông dân thường chịu thiệt thòi vì thị trường nông nghiệp Việt Nam còn quá bấp bênh. Vụ thu hoạch vừa qua, thương lái Trung Quốc thu mua sầu riêng non trục lợi, nhưng thiệt thòi lại do nông dân gánh”. Bản thân là chủ nhiệm câu lạc bộ sầu riêng năng suất cao tại địa phương, ông đã vận động để các thành viên trong câu lạc bộ không bán sầu riêng non gây ảnh hưởng đến uy tín trái cây ngon của Đồng Nai.

Theo ông Tân, chỉ có chất lượng trái ngon, đảm bảo an toàn thì mới có thị trường bền vững. Ông đang cho nhân rộng diện tích giống bơ booth vì loại bơ này có tiềm năng xuất khẩu lớn. Chính vì vậy, ông đầu tư sản xuất theo hướng an toàn để sản phẩm vườn nhà không chỉ phục vụ tốt thị trường nội địa mà đáp ứng được chuẩn hàng xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm