Thống kê / Mô hình kinh tế

Thông Tin Không Chính Xác Sẽ Gây Thiệt Hại Cho Sản Xuất

Ngày đăng: 03/04/2014

Liên quan đến một số bài viết về rau an toàn (RAT) trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, khi báo chí thông tin không chính xác, không đầy đủ sẽ gây thiệt hại cho sản xuất và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, gần đây, một số tờ báo có phản ánh về tình hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có đề cập việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây mất an toàn thực phẩm.

Chi cục BVTV Thành phố đã vào cuộc theo địa chỉ mà báo chí đã nêu. Tại địa bàn huyện Thường Tín, việc kiểm tra đột xuất các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn cho thấy, ở xã Thư Phú có hiện tượng 1 cá nhân sử dụng thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng chỉ sử dụng tại ruộng rau của gia đình mình.

Còn về bài báo “Loạn xị thuốc ngoài danh mục”, kết quả kiểm tra tại xã Văn Đức (Gia Lâm) cho thấy, trong 20 loại thuốc nông dân sử dụng đều là thuốc trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó 80% là các loại thuốc sinh học hoặc thuốc có nguồn gốc sinh học được đăng ký sử dụng trên rau. Chi cục đã lấy 6 mẫu rau, kiểm tra 30 hoạt chất thuốc BVTV, kết quả không phát hiện mẫu có dư lượng thuốc BVTV.

Chi cục cũng làm việc với xã Vân Nội (huyện Đông Anh) về thông tin “HTX rau an toàn sử dụng thuốc cực độc”, các hộ dân đều sử dụng thuốc thực vật sinh học được hỗ trợ, riêng hộ gia đình anh Tuấn Vẻ được nêu trong bài báo đã phối hợp 2 loại thuốc khác với mong muốn để sâu nhanh chết, sau khi phun, hiện tượng cháy rau như báo phản ánh là có thật.

Kết quả làm việc tại đây cho thấy, xã Vân Nội đã tổ chức kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn nhưng chưa thường xuyên, việc xử lý hành chính với người dân sử dụng thuốc BVTV chưa đảm bảo đúng kỹ thuật còn hạn chế… Những vấn đề này Chi cục đã đề nghị xã Vân Nội khắc phục và xử lý những trường hợp vi phạm.

Liên quan một số thông tin khác, ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng, nếu chỉ căn cứ lời nói của một cá nhân, không điều tra cơ bản đa số thuốc nông dân được hỗ trợ thuốc sinh học của huyện Đông Anh và một số địa bàn khác, chủ quan đánh giá người dân mang thuốc hỗ trợ đi bán… sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo tâm lý khuyến khích dùng thuốc hóa học trên rau là không hợp lý, gây hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại cho sản xuất.

Về việc tiêu thụ rau an toàn, tại Hà Nội, tính đến quý I/2014, Thành phố có hơn 80 cửa hàng bán rau an toàn có đầy đủ điều kiện theo quy định. Lượng tiêu thụ trung bình từ 50-120 kg/cửa hàng/ngày. Bên cạnh đó, tại mạng lưới siêu thị có khoảng 180 điểm kinh doanh rau an toàn, lượng tiêu thụ trung bình 80-120 kg/siêu thị/ngày.

Từ những kết quả của việc thí điểm gắn nhãn, dán tem nhận diện cho rau an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục BVTV Hà Nội đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Hà Nội” tại Cục Sở hữu trí tuệ để đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn Thành phố, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn của Hà Nội.


Có thể bạn quan tâm