Thống kê / Mô hình kinh tế

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Rau Đắng

Ngày đăng: 26/02/2014

Dù cuộc sống khó khăn, nhà cửa xiêu vẹo, con đông, nhưng bằng sự cần cù, siêng năng và nghị lực vượt khó vươn lên, gia đình ông Cao Văn Ái, ấp 3, xã Tân Thành không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để.

Cách đây 6 năm, gia đình ông Ái thuộc diện khó khăn. Không đầu hàng cái nghèo, vợ chồng ông suy nghĩ, tìm ra mô hình kinh tế với quyết tâm vươn lên. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định trồng thử nghiệm rau đắng.

Nghĩ là làm, ông Ái dỡ khoảng vài chục mét vuông đất đào thành hầm để trồng rau đắng.

Ông Cao Văn Ái bộc bạch, trồng rau đắng không khó, chúng cũng giống như rau ngổ, rau cần nước, nghĩa là môi trường sống phải có bùn và nước xem xép. Giống rau đắng rất dễ tìm mà lại dễ trồng.

Ông Ái cho biết thêm, lúc đầu ông xin được ít gốc rau đắng về trồng, chịu khó chăm sóc, rải phân chừng tuần lễ là rau đắng phát triển thêm. Ông bắt đầu bứng số rau đắng phát triển giặm đều ra hầm. Một thời gian sau, hầm rau đắng vài chục mét vuông đất của gia đình ông chen kín và lá rau xanh rì.

Theo kinh nghiệm trồng rau của lão nông này, rau đắng trồng hầm phải được cung cấp đủ nước, do đó, khi vào mùa hạn phải bơm nước để giữ ổn định mực nước khoảng 2 cm. Đặc biệt, chừng 7 ngày phải bón phân cho rau. Có như vậy, rau đắng mới xanh, non, lá lớn, cọng cứng.

Cứ mỗi lần rải phân hoặc xịt thuốc diệt sâu thì ông đợi 10 ngày sau mới dám cắt. Ông hoàn toàn không ngâm rau đắng trong phân urê để kích thích rau xanh non như một số người trồng rau khác. Nhờ vậy, rau đắng nhà ông Ái rất được lòng bạn hàng.

Hiện tại, ông Ái đã phát triển lên 3 hầm rau đắng, tương đương 1,5 công đất. Ông Ái tính toán, nếu cắt hết một lượt ước cũng 1.500 kg rau. Giá rau đắng cân cho bạn hàng chợ phường 7 từ 5.000-6.000 đồng/kg.

Ngoài diện tích 1,5 công đất dành riêng trồng rau đắng, 4,5 công đất còn lại ông Ái dùng trồng đậu cô ve, đu đủ, cải bẹ xanh, rau muống, dưa hấu… Do đó, quanh năm gia đình ông đều có nguồn rau ổn định bán ra thị trường.

Không chỉ cần cù vượt khó vươn lên, lão nông Cao Văn Ái còn nhiệt tình đóng góp các nguồn quỹ an sinh xã hội của địa phương, nuôi dạy con cái thảo hiền. Bản thân ông luôn sống hoà nhã với xóm làng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của gia đình cho bà con chòm xóm.


Có thể bạn quan tâm