Thống kê / Thống kê nông sản

Thị trường nông sản ngày 17/6: Cơ hội cho Việt Nam khi dự báo thiếu nguồn cung chè trên TG

Tác giả: Phạm Hoà - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 18/06/2020

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, sẽ thiếu nguồn cung chè trên thị trường thế giới trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất chè của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè.

Xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ tăng trở lại

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là một quốc gia trồng, sản xuất và chế biến chè, có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới.

Đến nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha chè, năng suất đạt gần 95 tạ/ha.

Ước tính của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, trong tháng 5/2020 xuất khẩu chè đạt 10 nghìn tấn, với trị giá 17 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với tháng 5/2019.

Giá xuất khẩu mặt hàng chè trong tháng 5 bình quân đạt 1.674,8 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kì năm 2019.

Tính cả 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 46 nghìn tấn, thu về 72 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Do dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng giảm.

Vì vậy, xuất khẩu chè của Việt Nam dự báo trong quý 2/2020 tiếp tục giảm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã trở lại bình thường, sản lượng chè sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi nCoV. Vì vậy, khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt, xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ tăng trở lại.

9 tấn vải u hồng của huyện Thanh Hà đã tới Australia

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương (Sở NN&PTNT) cho biết, 9 tấn vải u hồng của huyện Thanh Hà đã tới Australia và được phân phối tại các siêu thị, báo Hải Dương đưa tin.

Giới chuyên gia và khách hàng tại đây đánh giá vải u hồng của Hải Dương có vị thơm, ngọt thanh. Như vậy, sau khi được chấp thuận từ năm 2015, đây là năm thứ 5 liên tục, vải u hồng của Hải Dương có mặt tại Australia.

Cũng theo Sở NN&PTNT, đến nay, người dân huyện Thanh Hà đã thu hoạch xong diện tích vải thiều sớm. Năm nay, giá vải loại này tương đối ổn định, thời gian đầu đạt 60.000 đồng/kg, bình quân cả vụ đạt 30.000 đồng/kg. Với sản lượng 22.000 tấn, tổng giá trị vải sớm của huyện Thanh Hà đạt khoảng 660 tỉ đồng.

Nguyên nhân giá vải tăng cao do năm nay sản lượng vải thiều chính vụ không nhiều. Theo nhiều thương lái, vải thiều chính vụ năm nay tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, một số đưa đi xuất khẩu sang Singapore, Australia, Hàn Quốc.

Xuất khẩu sắn lát có nhiều triển vọng trong thời gian tới

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thời gian tới, xuất khẩu sắn lát sẽ chậm lại do nhu cầu mua sắn lát từ Trung Quốc chậm khi chính phủ nước này bắt đầu bán ngô từ kho dự trữ. Ngày 28/5 Trung Quốc đã bán hết 4 triệu tấn ngô từ kho dự trữ trong phiên đầu thầu lần thứ 2 của năm 2020.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) xuất khẩu sắn lát của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 4 giảm mạnh 22% xuống còn 54,3 nghìn tấn so với tháng 3 do giá cồn tại Trung Quốc chịu áp lực giảm từ sự suy yếu của giá dầu và giá cồn thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá xuất khẩu tinh bột sắn vẫn ở mức thấp do nhu cầu yếu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, với lượng sắn lát dự kiến xuất khẩu còn khoảng 100.000 tấn từ nay cho tới khi Việt Nam vào vụ sắn mới thì tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 có thể đạt khoảng 450.000 tấn, tăng khá mạnh so với 310.000 tấn của năm 2019, nhưng giảm rất mạnh so với mức 1,5-1,8 triệu tấn/năm của giai đoạn 2015-2017.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng xuất khẩu sắn lát vẫn có nhiều triển vọng hơn trong thời gian tới khi giá ngô nội địa Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do lượng tồn kho thấp và nhu cầu từ các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tăng.


Có thể bạn quan tâm