Thống kê / Thống kê nông sản

Thị trường lúa gạo ngày 1/2: Giá gạo nguyên liệu tăng nhẹ

Tác giả: Thu Nga
Ngày đăng: 01/02/2021

Giá gạo nguyên liệu hôm nay (1/2) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ.

Giá gạo nguyên liệu IR 504 tăng nhẹ 50 đồng/kg lên 10.350 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR 504 ổn định ở 11.600 đồng/kg; giá gạo tấm 1 IR 504 ổn định ở 10.100 đồng/kg; giá cám vàng ổn định ở 7.600 đồng/kg.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina gây mưa được kỳ vọng tiếp diễn tới tháng 3/2021, sau đó có xu hướng giảm dần và chuyển dần sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021. Như vậy, tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu long trong mùa khô năm 2021 được dự báo sẽ ít nghiêm trọng hơn so với năm 2019 và năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất lúa gạo tại khu vực.

Đối với khu vực phía Bắc, rét đậm rét hại được dự báo kéo dài tới tháng 2 năm 2021 có thể sẽ tác động tới các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo dự báo của hãng dịch vụ tài chính Fitch Solutions, sản lượng gạo sản xuất trong năm 2021 có thể đạt hơn 27,4 triệu tấn, tương ứng với mức tăng trưởng 1,1% so với năm 2020. Xuất khẩu gạo năm 2021 của Việt Nam được kỳ vọng tăng nhẹ, tăng 1,6% so với năm 2020.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng vẫn ở mức cao.

Dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines tăng 13%, Bờ Biển Ngà tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và EU tăng 2,1%. Đây là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Riêng thị trường Trung Quốc và Malaysia, nhờ sản lượng gạo sản xuất nội địa phục hồi, nhập khẩu được dự báo giảm hơn 4% trong năm 2021.

Trong khi đó, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì vị thế là nhà xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng nhẹ ở mức 1,6% so với năm 2020. Tuy nhiên ngành lúa gạo Việt Nam vẫn gặp phải thách thức lớn từ các đối thủ cạnh tranh chính như Thái Lan với mức dự báo tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu gạo của nước này năm 2021 đạt lần lượt 5,35% và 27,3% so với năm 2020.

Ngành lúa gạo được cho là sẽ nâng cao giá trị xuất khẩu do giá gạo thế giới dự báo bình ổn ở mức cao. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá gạo thế giới sẽ bình ổn và khó tăng mạnh trong giai đoạn 2021- 2024 do nguồn cung gạo tại các quốc gia sản xuất lúa gạo chính tại khu vực châu Á tăng trưởng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trong năm 2021.

Tuy nhiên, giá gạo được kỳ vọng tiếp tục giữ ở mức giá cao, khoảng 490 - 500 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, cao hơn 22,7% so với mức giá thấp trong giai đoạn 2015 - 2019.

Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống tại khu vực châu Á và châu Phi, ngành gạo Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản như gạo thơm, gạo nếp, gạo lứt, gạo hữu cơ… với giá bán gạo cao hơn từ 20 - 50% so với gạo trắng, kỳ vọng đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa.


Có thể bạn quan tâm