Thống kê / Thống kê nông sản

Thị trường lúa gạo châu Á: Giá tại Ấn Độ tăng tuần thứ 3, thị trường hướng về Philippines

Tác giả: Thu Hải - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 23/11/2018

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng tuần thứ 3 liên tiếp do rupee tăng so với USD Mỹ, trong khi gạo Thái Lan và Việt Nam giảm mặc dù Philippines chào mua.

Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng lên 367 – 375 USD/tấn, từ mức 363 – 371 USD/tấn cách đây một tuần. Đồng rupee đã tăng trở lại lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng so với USD làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ.

Giá lúa trong nước tăng do Chính phủ nâng giá thu mua càng góp phần đẩy giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng lên. Hồi tháng 7/2018, Chính phủ nước này đã nâng giá lúa thường vụ mới mua của nông dân thêm 13% lên 1.750 rupee/100 kg.

Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh sẽ thu mua của nông dân 600.000 tấn gạo với giá 36 taka (0,4 USD)/kg (trong vụ thu hoạch này) để tăng lượng dự trữ.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm xuống 410 USD/tấn, từ mức 415 – 420 USD/tấn cách đây một tuần.

“Mặc dù giá giảm song thị trường vẫn vắng vẻ vì nguồn cung trong nước không nhiều. Giá có thể sẽ giảm thêm nữa trong những tuần tới, về sát mức giá của Thái Lan và Ấn Độ”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết. Theo ông này, “Công ty Tân Long đã chào bán 118.000 tấn gạo trong cuộc đấu thầu 500.000 tấn của Philippines hồi đầu tuần này, nhưng công ty đã không mua gạo trên thị trường trong nước, và chưa rõ sẽ lấy nguồn hàng ở đâu để thực hiện hợp đồng”. Ngoài Tân Long, Công ty Olam International ở Singapore đã chào bán 210.000 tấn.

Các thương gia dự báo thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục trầm lắng cho tới đầu năm tới, khi nguồn cung từ vụ Đông Xuân có bán trên thị trường.

Trong khi đó tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá 382 – 395 USD/tấn, FOB Bangkok, không thay đổi nhiều so với mức 380 – 398 USD/tấn cách đây một tuần.

Thái Lan sẽ chỉ cung cấp một phần trong hợp đồng của Philippines, do vậy giá gạo tại nước này không có biến động lớn.

Năm nay Philippines rất tích cực nhập khẩu gạo để tăng lượng dự trữ trong các kho của Chính phủ - đã gần như cạn kiệt.

Ngày 21/11/2018, Ủy ban Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFAC) thông qua dự thảo cho phép nhập khẩu ngoài hạn ngạch để tăng cường hơn nữa kho dự trữ gạo quốc gia để hạ giá gạo. Nhập khẩu gạo trong khối lượng tối thiểu (MAV) theo cam kết với WTO chịu thuế 35%, còn vượt hạn ngạch chịu thuế 50%. Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines và Chủ tịch NFAC Emmanuel F. Piñol cho biết các thương nhân quan tâm có thể bắt đầu xin giấy phép nhập khẩu gạo tại NFA vào ngày 22/11. Theo ông Piñol, từ năm 2019 Philippines sẽ duy trì lượng dự trữ gạo quốc gia tương đương 134 ngày tiêu thụ. Ông cho biết ước tính của ông không gồm gạo được Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) thu mua.

Một số thông tin liên quan

Xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể giảm lần đầu tiên trong 3 năm vào 2019

Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2018/2019 có thể giảm sút lần đầu tiên trong 3 năm qua do chính phủ nâng giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) đối với thóc thêm 13% và nhu cầu từ các thị trường lớn khác, gồm cả Bangladesh, giảm. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu dự báo sẽ vẫn tăng.

Xuất khẩu gạo basmati, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng gạo xuất khẩu, đã giảm 18% trong tháng 10. Giá gạo non-basmati giảm trên những thị trường xuất khẩu chính, vì vậy giới thương nhân giảm xuất khẩu.

Bangladesh có thể trở lại nhập khẩu nhiều gạo vì tăng trưởng sản xuất đang chậm lại

Tăng trưởng sản xuất gạo của Bangladesh đã chậm lại, chỉ còn 0,4% kể từ năm 2010, khiến việc đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng trong bối cảnh diện tích đất trồng trọt liên tục giảm, viện trưởng Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) Bangladesh cho biết hôm 18/11.

Trước năm 2010, sản lượng gạo của Bangladesh tăng hơn 2% mỗi năm, ông Humnath Bhandari cho biết tại buổi khai mạc hội thảo hai ngày về “Chuyển đổi giống lúa (TRB): hiện trạng và con đường phía trước”.

Đến năm 2050, nhu cầu gạo hàng năm của Bangladesh sẽ đạt khoảng 44,6 triệu tấn. Vì vậy, nước này rất cần thiết phải tiến hành nghiên cứu thêm về lúa gạo và phát triển các giống mới để đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.


Có thể bạn quan tâm