Thống kê / Thống kê nông sản

Thị trường cà phê tuần 53: Thiếu vắng sức mua, giá tiếp tục giảm sâu

Tác giả: Phạm Hoà - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 07/01/2020

Tuần qua (30/12/2019 –04/01/2020) là tuần chuyển giao giữa năm cũ 2019 và năm mới 2020, có 1 phiên đầu tuần đứng yên, 1 phiên tăng và 3 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá trong nước giảm 200 – 300 đồng chốt ở 31.800 – 32.600 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, các mức giảm đáng kể, khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam  

Thị trường Đơnvị 30/12 03/01 04/01
FOB (HCM) USD/tấn 1.477 1.450 1.442
Đăk Lăk VND/kg 32.800 32.700 32.600
Lâm Đồng VND/kg 32.100 32.000 31.800
Gia Lai VND/kg 32.500 32.400 32.200
Đắk Nông VND/kg 32.500 32.400 32.200

 

Dẫn nguồn Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê arabica tiếp tục giảm sâu do suy đoán dư thừa nguồn cung, trong khi các đầu cơ và quỹ tiếp tục thanh lý trạng thái mua ròng quá mức. Đặc biệt, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có điều khoản nào cụ thể đã làm sự lạc quan, phấn khích ban đầu sụt giảm, kết hợp với sự thiếu vắng sức mua do kỳ nghỉ Tết Năm mới 2020 đã làm sàn New York suy yếu suốt cả tuần. Thị trường cũng không quá ngạc nhiên khi giá cà phê robusta sàn London giảm theo do hai sàn đã liên thông.

Cũng theo nguồn này, cơ quan thương mại Brazil đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 12 đạt 3.161.900 bao, giảm 937.499 bao, tức giảm 22,87% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do sản lượng cà phê arabica vụ mùa 2019 rơi vào chu kỳ năm giảm, trong khi xuất khẩu cà phê Conilon robusta sang các thị trường tiêu dùng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trang Đời sống Plus đưa tin, vụ mùa cà phê robusta tại Brazil bội thu cùng với đồng real mất giá đã tạo lợi thế về chi phí xuất khẩu trong năm 2019.

Cụ thể, đầu năm ngoái, chi phí nguyên liệu thô sản xuất cà phê hòa tan của Brazil thấp hơn 5% so với Việt Nam. Sau đó, mức chênh lệch này được nâng lên khoảng 15%.

“Brazil sẽ không ngừng hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, nhu cầu cà phê hòa tan tại thị trường Đông Nam Á cũng đang tăng”, ông Guimaraes, giám đốc thương mại tại công ty sản xuất cà phê hòa tan Cia Cacique de Cafe Soluve nhận định.

Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, đang phải chứng kiến kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm khoảng 3% trong năm 2019.

Trong khi đó, Brazil, quốc gia được ví là “ông vua” cà phê arabica, lại được đánh giá nhiều khả năng sẽ vượt Việt Nam về cả mặt hàng cà phê robusta, chuyên gia phân tích Carlos Mera nhận định.

Cà phê robusta là nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hòa tan do chi phí rẻ hơn so với dùng cà phê arabica. Các nhà sản xuất của Brazil đang nhanh chóng áp dụng công nghệ mới giúp thúc đẩy sản xuất, ông Carlos Mera cho biết.


Có thể bạn quan tâm