Thống kê / Thống kê nông sản

Thị trường cà phê hôm nay 22/2: Nhiều dư địa tăng xuất khẩu cà phê Việt sang 5 thị trường

Tác giả: Phạm Hòa
Ngày đăng: 23/02/2022

Thị trường cà phê trong nước hôm nay 22/2/2022 lao dốc xuống mức 40.500 – 41.100 đồng/kg. Giá cà phê thế giới trên hai sàn giao dịch kỳ hạn tiếp diễn sắc đỏ.

Diễn biến giá

Tại thị trường nội địa, giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên giảm 400 đồng, đưa mức giá tại một số tỉnh xuống dưới mốc 41.000 đồng/kg. Tại cảng TPHCM, robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ở 2.289 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, giá robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 21 USD, tương đương 0,93% xuống mức 2.234 USD/tấn. Giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 4,65 US cent/lb, tương đương 1,86% chốt tại 246 US cent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, giá kỳ hạn tháng 05/2022 giao dịch ở 299,6 US cent/lb (-0,13%).

Các thông tin nổi bật

- Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều xoay quanh dự báo sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2021/22. Một là dự báo phục hồi của Bộ Nông nghiệp Mỹ về sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2021/22, tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.

Hai là dự báo của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) ở hướng ngược lại khi cho rằng sản lượng năm 2022 sẽ thấp hơn do năng suất thấp, vỏ quả đẹp nhưng không có nhân bên trong hoặc nhân rất bé, người dân không có tiền để đầu tư chăm sóc vườn cây.

- Theo số liệu báo cáo của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 1/2022 đạt 163.324 tấn (tương đương 2,72 triệu bao), tăng 3,6% so với tháng 12/2021, nhưng lại giảm 6,5% so với ước báo cáo ban đầu do vẫn còn những vấn về logistics chưa sớm cải thiện.

- Đánh giá thị trường cà phê trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada và Italy.

- Trong quý đầu niên vụ 2021/22, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm mạnh 19,2%, xuống còn 15,3 triệu bao từ mức 18,9 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. Trong đó, Brazil và Colombia giảm lần lượt là 25,8% và 8,4% xuống còn 10,2 triệu bao và 3,3 triệu bao. Còn xuất khẩu của Ecuador và Peru tăng lên 1,8 triệu bao so với 1,6 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.


Có thể bạn quan tâm