Thống kê / Mô hình kinh tế

Thanh Hóa phát triển chăn nuôi lợn theo vùng tập trung quy mô lớn

Ngày đăng: 22/05/2015

Để chăn nuôi lợn phát triển theo hướng bền vững, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, quy mô lớn, như: Hỗ trợ 200 triệu đồng/trang trại miền xuôi và 250 triệu đồng/trang trại miền núi đối với trang trại chăn nuôi lợn ngoại có quy mô 100 nái ngoại hoặc 750 con lợn thịt trở lên; hỗ trợ 100 triệu đồng/trang trại miền xuôi và 120 triệu đồng/trang trại miền núi đối với trang trại chăn nuôi lợn ngoại có quy mô 50 đến 100 con lợn nái sinh sản hoặc 350 đến dưới 750 con lợn thịt ngoại.

Ngoài những chính sách của tỉnh, nhiều địa phương còn có chính sách khuyến khích, kích cầu riêng, như: Huyện Nga Sơn có chính sách hỗ trợ 300 triệu đồng/trang trại có quy mô vừa, huyện Quảng Xương hỗ trợ 100 triệu đồng/trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn...

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo cùng những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã tạo động lực cho nhiều hộ dân phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi. Riêng năm 2014, toàn tỉnh đã phát triển được 113 trang trại lợn có quy mô lớn và vừa.

Mặc dù ngành chăn nuôi tỉnh ta những năm gần đây đã có bước phát triển mới. Song, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của địa phương. Vì vậy, để tạo ra bước đột phá trong phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, tỉnh sẽ cho xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi lợn ngoại trang trại tập trung có tỷ lệ nạc cao theo hướng chăn nuôi công nghiệp khép kín, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Với mục tiêu xây dựng được 5 trang trại quy mô lớn từ 1.000 đến 5.000 nái ngoại hướng nạc/trang trại trong năm 2015 và đến năm 2020 xây dựng được 38 trang trại, ngành nông nghiệp đã và đang xây dựng kế hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển vùng chăn nuôi lợn tập trung. Trong đó, vùng thành phố, ven thành phố, khu công nghiệp sẽ được phát triển chăn nuôi lợn chất lượng cao phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu, chủ yếu chăn nuôi lợn 3 máu ngoại, dự kiến tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn chiếm 30% trong tổng số trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Vùng đồng bằng ven biển và trung du sẽ được chăn nuôi lợn 3/4 máu ngoại hoặc lợn 7/8 máu ngoại, với tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn chiếm 55% tổng số trang trại chăn nuôi lợn. Vùng núi sẽ được bố trí để nuôi lợn thịt máu ngoại, dự kiến tỷ lệ trang trại ở vùng này sẽ chiếm 15% trong tổng số trang trại chăn nuôi lợn.

Được biết, năm 2014 vừa qua, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tập trung với quy mô 7.000 con tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc), tổng vốn đăng ký 800 tỷ đồng và diện tích được bố trí để thực hiện dự án dự kiến là 411 ha; trong đó, 10 ha sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có công suất 100.000 tấn/năm, 61 ha dùng để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 7.000 con và diện tích còn lại sử dụng để trồng cỏ, ngô, sắn là thức ăn cho lợn và nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tin rằng, với định hướng đúng đắn cùng những giải pháp phù hợp, chăn nuôi lợn của tỉnh sẽ có bước phát triển vượt bậc, hình thành và phát triển được vùng chăn nuôi lợn tập trung như mục tiêu đã đề ra.


Có thể bạn quan tâm