Thống kê / Tin nông nghiệp

Tập trung phòng trừ sâu đục cuống quả vải

Tác giả: Đức Thọ
Ngày đăng: 21/06/2019

Theo Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện nay trà vải chính vụ đang rụng sinh lý lần 1, trà vải sớm đang phát triển hạt và cùi.

Người dân Lục Ngạn phun thuốc phòng trừ sâu đục cuống quả vải thiều.

Sâu đục quả vải đang phát triển gây hại các trà vải, đặc biệt là những vườn rậm rạp và trên trà vải sớm như vải U hồng, Thanh Hà với mật độ trung bình  1 - 2 con/cành; nếu không phòng trừ kịp thời, sâu non sẽ gây hại nặng trong thời gian tới và phát triển mạnh ở lứa sau.

Ông Vũ Lệnh Sánh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cho biết: Giai đoạn sâu non của sâu đục cuống quả gây hại bằng cách đục vào hạt làm cho quả vải không phát triển và rụng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả vải. Đặc điểm của sâu non khi nở là trực tiếp từ mặt dưới vỏ trứng đục vào quả và suốt đời sống của sâu non ở trong quả cho đến khi sâu đẫy sức hóa nhộng mới ra ngoài, vì vậy, người dân cần phun phòng trừ sâu trưởng thành, trứng và sâu non mới nở thì hiệu quả trừ sâu mới cao.

Để phòng trừ sâu đục quả vải hiệu quả, nhà vườn cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:

Biện pháp cơ giới: Tạo tán tỉa cành cây vải thiều thông thoáng, kết hợp vệ sinh vườn, thường xuyên thu gom tiêu hủy các cành và quả bị sâu hại.

Biện pháp hóa học: Tập trung phun kép 2 lần thuốc phòng trừ trưởng thành lứa 3 sâu đục cuống quả vải (có hiện tượng gối lứa) đang ra rộ:  hai lần phun cách nhau 6 - 7 ngày, bằng một trong những loại thuốc sau: Virtako 40WG, Emamectin (Taisieu 1.0 EC, Mikmire 2.0 EC), Abamectin (Sudoku 2 EC, 58 EC), Confitin 36 EC,  Centerosin 242 Wp… Chú ý phun đúng nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn mác. Nên phun vào chiều mát, phun kỹ vào tán lá, trong tán cây, cành thấp.


Có thể bạn quan tâm