Thống kê / Mô hình kinh tế

Tận Dụng Cơ Hội

Ngày đăng: 08/05/2014

Ông Nguyễn Vĩnh Thành, Giám đốc ngành hàng ca cao thuộc Tập đoàn Cargill Việt Nam cho biết, dù năng suất ca cao Việt Nam vào loại khá trên thế giới nhưng người trồng ca cao Việt Nam chỉ so sánh giá hạt ca cao với các loại cây trồng khác để đánh giá hiệu quả kinh tế.

Vì vậy, giá ca cao thời gian qua ở mức từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg khiến người trồng ca cao mừng khi giá cà phê đứng ở mức 40.000 đồng/kg và hạt điều khoảng 20.000 đồng.

Thời điểm này năm 2013, giá ca cao giảm khá mạnh, không ít người chặt ca cao. Một cuộc khảo sát của tổ chức ACDI/VOCA nhằm tìm hiểu lý do tại sao nông dân lại chặt bỏ ca cao đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, việc chặt bỏ ca cao là do giá, năng suất và sâu bệnh.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, có đến 38% trường hợp được hỏi cho biết sẽ trồng lại ca cao nếu giá tốt. Phải chăng do giá ca cao từ cuối năm 2013 phục hồi và hiện ở mức khá nên diện tích ca cao xen các vườn cây đã tăng trở lại, điển hình như ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) tổ chức trồng ca cao trong vườn hồng… và không ít hộ chặt bỏ trước đây đã quay lại trồng cây ca cao.

Theo Tổ chức Ca cao quốc tế (ICCO), do đa số cây ca cao bị già cỗi như ở Indonesia, hầu hết các vùng trồng ca cao thế giới tập trung ở phía Tây châu Phi hay sự thiếu ổn định an ninh xã hội ở Bờ Biền Ngà khiến sản lượng ca cao hạt thế giới năm nay sụt giảm khoảng 150.000 tấn.

Điều đáng lo ngại hơn, giới trẻ, con em của các gia đình trồng ca cao truyền thống không xem nông nghiệp là nghề hấp dẫn. Trong khi đó, nhu cầu ca cao thế giới, đặc biệt là khu vực kinh tế năng động châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ… tăng khá nhanh. Đây là những lý do làm mất cân đối cung - cầu. Vì vậy, sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu ca cao để chế biến chocolate và các sản phẩm khác trở nên nghiêm trọng.

Phải chăng điều này làm giá ca cao từ tháng 3-2014 lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua với trên 3.000 USD/tấn tại thị trường New York (Mỹ) và gần 1.900 bảng Anh/tấn tại thị trường London (Anh)? Theo nhận định của chuyên gia, về lâu dài, khả năng thiếu hụt nguồn ca cao nguyên liệu có thể lên đến 1 triệu tấn. Vì vậy, nếu không có giải pháp hỗ trợ cộng đồng trồng ca cao, nhằm nâng cao thu nhập, nguồn cung ca cao sẽ mất cân đối nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia ngành ca cao kêu gọi tăng cường biện pháp hỗ trợ người trồng ca cao để tăng sản lượng. Có thể xem đây là cơ hội nếu Việt Nam biết tận dụng để mở rộng diện tích trồng xen ca cao, kể cả vùng chuyên canh. Ca cao là loại cây trồng mới ở Việt Nam nhưng được các tổ chức và các doanh nghiệp chế biến của Hà Lan, Bỉ cũng như các nhà thu mua từ Mỹ đánh giá rất cao về tiềm năng bởi khí hậu, thổ nhưỡng.

Các doanh nghiệp ngoài nước cũng đánh giá cao tố chất của nông dân Việt Nam, thông minh, sáng tạo và một khi tập trung vào cây trồng nào đều cho năng suất cao như cây lúa, cà phê, hồ tiêu…

Mới đây, Cargill Việt Nam bàn giao Trung tâm chuyển giao kỹ thuật ca cao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Xà Bang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý hoạt động. Đây là nơi đào tạo về ca cao cho khoảng 2.000 nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Như vậy, hiện có 4 trung tâm chuyển giao mà các công ty nước ngoài tài trợ đó là Công ty Mars (Mỹ) ở Đắk Lắk và Bình Phước, ở Bến Tre do Công ty Puratos Grand Place (Bỉ). Vấn đề là nông dân và các nhà quản lý chuyên ngành cần tận dụng được cơ hội này, nếu không sẽ vẫn chỉ loay hoay trồng, chặt, trồng kiểu theo đuôi, thấy người ta “ăn khoai” mình cũng “vác mai đi đào” như bài học về cây dứa cayenne.


Có thể bạn quan tâm