Thống kê / Mô hình kinh tế

Sử Dụng Phế Phẩm Cây Cao Su, Cây Mì Làm Cơ Chất Trồng Nấm Bào Ngư

Ngày đăng: 23/07/2014

Qua nghiên cứu cho thấy quy trình trồng nấm bào ngư trên cơ chất cây mì được tiến hành qua các giai đoạn: cơ chất ủ với nước vôi (tỷ lệ 2%), sau đó đóng bịch, hấp khử trùng, cấy giống, ươm bịch, nuôi trồng và cuối cùng là thu hái.

Với mục tiêu đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống nhằm khai thác có hiệu quả những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lao động, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ nghiền phế phẩm cây cao su, mì làm cơ chất trồng nấm bào ngư”.

Vừa qua, Trung tâm đã tổ chức hội thảo về đề tài này để đánh giá khả năng hoạt động của máy nghiền, cũng như việc trồng nấm bào ngư trên cơ chất cao su, mì.

Theo đề tài, Tây Ninh có tổng diện tích trồng mì là hơn 45.000 ha và lượng cây mì dư ra sau khi đã tuyển chọn làm giống là trên 400.000 tấn. Bên cạnh đó, tổng diện tích trồng cây cao su là hơn 93.000 ha, ước tính toàn tỉnh có hơn 30.000 tấn cành cao su khô. Qua đó cho thấy nguồn nguyên liệu từ cây mì và cành cao su khô là rất lớn, có thể đủ đáp ứng cho việc trồng nấm.

Mặt khác, nấm là một loại rau sạch, nên ngoài việc trồng nấm mèo, nấm rơm thì những năm gần đây bà con cũng đã áp dụng thành công quy trình nuôi trồng nấm bào ngư, linh chi… Nhìn chung, việc trồng nấm không đòi hỏi nhiều diện tích, vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, vừa giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Đề tài được tiến hành trên cơ sở thực hiện hai chuyên đề. Một là cải tiến máy nghiền cây để tạo ra máy nghiền cây mì, cành cao su làm nguyên liệu (cơ chất) nuôi trồng nấm. Hai là xây dựng mô hình nuôi trồng nấm bào ngư trên giá thể cây mì, cao su. Thời gian qua, Trung tâm đã nghiên cứu cải tiến thành công máy nghiền cây (nói chung) để tạo ra máy nghiền cây mì, cành cao su. Nguồn động lực kéo máy có công suất từ 30 HP trở lên và công suất máy nghiền khoảng 0,7 tấn/giờ.

Song song đó, qua nghiên cứu cho thấy quy trình trồng nấm bào ngư trên cơ chất cây mì được tiến hành qua các giai đoạn: cơ chất ủ với nước vôi (tỷ lệ 2%), sau đó đóng bịch, hấp khử trùng, cấy giống, ươm bịch, nuôi trồng và cuối cùng là thu hái. Sau 5 lần thử nghiệm và theo dõi, kết quả cho thấy hầu hết số bịch nuôi trồng, phôi nấm đã ăn tơ kín, chỉ có 0,5% số bịch phôi bị nhiễm nấm dại, đồng thời có thể điều chỉnh cho ra nấm trong thời gian theo ý muốn.

Theo Trung tâm thì mô hình này sẽ còn được khảo nghiệm thêm nhiều lần để khẳng định tính bền vững, hiệu quả kinh tế trước khi chuyển giao kết quả và khuyến cáo ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lai- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh cho biết, nếu mô hình được triển khai và nhân rộng thì Trung tâm sẽ tiến hành thu mua nguyên liệu cây mì đồng thời tiến hành ủ, hấp, cấy giống theo quy trình công nghiệp để cung cấp cho bà con nông dân có nhu cầu trồng nấm; đồng thời Trung tâm cũng sẽ bảo đảm về đầu ra của sản phẩm để bà con có thể yên tâm hơn khi sản xuất.


Có thể bạn quan tâm