Thống kê / Mô hình kinh tế

Sống Khỏe Nhờ Sầu Riêng VietGAP

Ngày đăng: 12/09/2012

Nằm giữa sông Tiền, cù lao xã Ngũ Hiệp được phù sa bồi đắp thích hợp cho các loại cây có múi giá trị kinh tế cao: Sầu riêng hạt lép giống Monthong và Ri 6.

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang kết hợp UBND xã Ngũ Hiệp thực hiện mô hình sản xuất sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Mô hình sản xuất sầu riêng VietGAP được triển khai thực hiện từ năm 2011, trên diện tích 10ha của 40 hộ dân ở các ấp Tân Sơn, Hòa An và Hòa Hảo của xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tham gia mô hình nông dân phải thay đổi nhiều tập quán canh tác. Trước hết phải chọn giống tốt, áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật mới, tuân thủ nghiêm ngặt khoảng 100 tiêu chí về sản xuất nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định như: Xây nhà kho chứa phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), điểm pha chế thuốc và nơi chứa bao bì,...

Ông Ngô Văn Năm ở ấp Hòa Hảo cho biết, trước đây chưa tham gia mô hình, gia đình ông sản xuất 0,6ha sầu riêng giống Ri 6 theo tập quán, phun xịt thuốc theo định kỳ, tốn khá nhiều chi phí nên lợi nhuận thấp. Từ ngày tham gia sản xuất sầu riêng theo quy trình VietGAP, ông Năm và bà con ở đây biết cách sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp "4 đúng", đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV. Chi phí sản xuất thấp hơn so với trước đây, hạn chế ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, phẩm chất trái ngon, thị trường ưa chuộng.

Khác với sản xuất sầu riêng theo tập quán, sản xuất theo quy trình VietGAP đòi hỏi nông dân phải ghi chép sổ nhật ký để hạch toán chi phí sản xuất, đồng thời truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi có yêu cầu. Đặc biệt, phải sử dụng thuốc BVTV và phân bón trong danh mục cho phép, hướng đến thói quen sử dụng phân hữu cơ sinh học, nhằm duy trì năng suất, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Qua hạch toán mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP ở xã Ngũ Hiệp, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha, cao hơn 15% so với ngoài mô hình, giá bán bình quân 20.000 – 22.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thuốc BVTV, phân bón, công chăm sóc, mỗi ha trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng, cao nhất từ trước tới nay. Sản xuất sầu riêng theo quy trình VietGAP ở xã Ngũ Hiệp mở ra triển vọng mới về xuất khẩu sầu riêng, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững.


Có thể bạn quan tâm