Thống kê / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Giống Và Nuôi Thương Phẩm Ốc Nhảy

Ngày đăng: 22/07/2013

Mới đây, Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy (strombus canarium) ở Quảng Ninh” do Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện.

Mục tiêu của đề tài nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy. Xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy tại Quảng Ninh.

Ốc nhảy là loài nhuyễn thể chân bụng có giá trị kinh tế cao. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh, ốc nhảy tại Quảng Ninh phân bố chủ yếu ở vùng biển Vân Đồn. Hiện nay, người dân ở Vân Đồn nuôi ốc nhảy chủ yếu bằng thu gom con giống tự nhiên, hoặc nhập con giống từ các tỉnh Nam Trung bộ.

Do vậy việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy có ý nghĩa quan trọng, giúp Quảng Ninh chủ động được nguồn con giống chất lượng cao, đảm bảo độ đồng đều về kích thước. Đồng thời, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhảy góp phần đa dạng nghề nuôi nhuyễn thể ở Quảng Ninh, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân.

Quy mô, nội dung nghiên cứu của đề tài gồm: Nuôi vỗ ốc bố mẹ, sản xuất ốc giống cấp 1 phục vụ thí nghiệm, ương ốc giống cấp 1 thành ốc giống cấp 2; Nghiên cứu công nghệ ương giống trong lồng lưới và nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều; Ương giống cấp 1 thành giống cấp 2 trong lồng lưới, đánh giá ảnh hưởng của mật độ đến tốc độ sinh trưởng của ốc nhảy nuôi thương phẩm; Kiểm nghiệm và hoàn thiện công nghệ sản xuất ốc giống;

Kiểm nghiệm và hoàn thiện công nghệ ương giống trong lồng lưới và nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều; Kiểm nghiệm và hoàn thiện công nghệ nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều; Tập huấn cho các cán bộ kỹ thuật và trại sản xuất giống trong tỉnh kỹ thuật ương giống trong lồng lưới và nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều.

Trên cơ sở đánh giá phản biện của các thành viên Hội đồng và giải trình của đơn vị nghiên cứu, Hội đồng yêu cầu điều chỉnh quy mô của đề tài, bổ sung nội dung đánh giá về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội đồng thống nhất đề nghị UBND tỉnh phê duyệt triển khai đề tài.


Có thể bạn quan tâm