Thống kê / Mô hình kinh tế

Rút kinh nghiệm kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn

Ngày đăng: 19/10/2015

Đây là quy trình đã được áp dụng từ nhiều năm trước, nhưng giai đoạn nuôi trong ao ương dưỡng ngắn nên khi đưa sang ao nuôi không hiệu quả.

 Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) rút kinh nghiệm kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn.

Tại các mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn ở xã Gia Hòa 2 và Hòa Tú 1 đã mang lại hiệu quả cao, được ngành chuyên môn tổ chức hội thảo để nhân rộng.

Theo kinh nghiệm rút ra đối với quy trình nuôi của anh Huỳnh Minh Trữ, thì ương dưỡng tôm giai đoạn đầu từ 45 đến 50 ngày mới đưa sang ao nuôi thì tôm phát triển nhanh và hạn chế được bệnh.

Anh Trữ cho biết: “Trong quá trình nuôi tôm tôi đều thực hiện theo các bước: Ban đầu tôi nuôi trong ao ương khoảng 45 ngày rồi mới chuyển tôm sang ao nuôi.

Khi nuôi tôi không chài, hoặc kéo lưới để chuyển tôm sang ao nuôi của bước tiếp theo, mà tôi đặt nò để chuyển ao.

Cách làm này tôi thấy rất hiệu quả, tỉ lệ tôm hao hụt thấp, hạn chế được dịch bệnh”.

Nuôi tôm giai đoạn 1 trong ao ương dưỡng với diện tích nhỏ, nên việc quản lý chặt chẽ hơn, xử lý ao cũng ít tốn chi phí hơn, đặc biệt đây là giai đoạn tôm rất mẫn cảm với bệnh, nếu thời gian này kéo dài sau 45 ngày thì tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm do đã có sức đề kháng cao.

Kỹ sư Liễu Nghĩa Tín, Phó Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Bà con chú ý nên thả tôm nuôi vào thời điểm nhiệt độ thấp để tôm khỏe, chăm sóc cho tôm khỏe thì mới tiến hành chuyển ao và trong quá trình chuyển sang ao nuôi mới nên bổ sung khoán cho tôm.

Trong giai đoạn này tôm thường hay bị bệnh đốm trắng, đỏ thân, nhưng nhờ ao ương nhỏ nên xử lý dễ dàng, ít tốn chi phí, đến sau 45 ngày đưa sang ao nuôi tôm sẽ lớn nhanh vì môi trường nước mới, điều kiện thoáng hơn”.

Vấn đề mà người nuôi lưu ý là bước chuyển từ ao ương sang ao nuôi, bởi biện pháp thuần nguồn nước giữa ao nuôi và ao ương không đảm bảo thì tôm nuôi sẽ bị sốc môi trường do các yếu tố giữa 2 ao khác nhau.

Các biện pháp chuyển tôm từ ao ương dưỡng sang ao nuôi cũng phải hết sức chú ý khi thời tiết giảm thấp, không nên sử dụng biện pháp chài, kéo như trước đây.

Kỹ sư Liễu Nghĩa Tín, Phó Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), lưu ý thêm: “Trước khi sang ao bà con phải đo môi trường, đo độ pH trong nước để tôm không bị sốc, không nên sử dụng biện pháp chài, kéo lưới để bắt tôm sang ao mà nên sử dụng các biện pháp chuyển từ từ như đặt nò, đặt lú… để tôm không bị sốc”.

Kỹ thuật mới trong nuôi tôm ở giai đoạn 2, người nuôi nên hạn chế dùng chài, lưới kéo tôm khi sang ao

Trước tình hình bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp, thì biện pháp nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn mà bà con ở Mỹ Xuyên áp dụng có thể giảm được tính rủi ro, chi phí nuôi cũng giảm từ 30% đến 40%, đây là quy trình ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo cho những năm tiếp theo.


Có thể bạn quan tâm