Thống kê / Mô hình kinh tế

Phát Triển Lợn Đen Lai Lợn Rừng Ở Thôn 7 Thống Nhất Tuyên Quang

Ngày đăng: 26/05/2012

Phát huy lợi thế đồi rừng, gần đây, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã Yên Phú (Hàm Yên, Tuyên Quang) đã phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có mô hình chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng của bà con nông dân thôn 7 Thống Nhất.

Mặc dù mới chăn nuôi giống lợn này được hơn 1 năm nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Sen đã đạt được kết quả tương đối rõ nét. Năm 2011 sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng. Để có được hiệu quả đó, chị Sen đã tham khảo nhiều tài liệu về chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng... Nhận thấy đất đai quanh nhà rộng rãi có thể áp dụng chăn nuôi giống lợn này, ban đầu chị nuôi 2 nái lợn đen cho phối giống với giống lợn rừng của gia đình anh Nhâm Văn Thắng, người cùng thôn. Sau vài lứa lợn sinh sản, chị chọn lọc ra những con lợn khỏe mạnh để làm giống. Chị cho biết, 1 con lợn nái sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 8 đến 10 con. Lợn con sinh ra lông kẻ sọc vàng, khi lớn lên màu lông hung đỏ, rất khỏe mạnh. Từ khi chăn nuôi đến nay, đàn lợn đen lai lợn rừng của gia đình chị chưa bao giờ bị dịch bệnh. Khi xuất bán, mỗi con có trọng lượng từ 15 đến 22 kg, giá lợn hơi từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, đàn lợn của gia đình chị có gần 100 con.

Gia đình anh Nhâm Văn Thắng cũng phát triển chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng. Năm 2006, anh đã đầu tư nuôi 5 nái lợn đen, mỗi năm thu nhập 60 triệu đồng. Qua các kênh thông tin, đầu năm 2010, anh tìm mua một con lợn rừng đực về nuôi làm giống và cho giao phối với lợn đen, sau đó chọn những con lợn cái lai lợn rừng làm lợn giống. Anh Thắng cho biết, giống lợn này có sức đề kháng cao, ít bệnh tật. Đàn lợn tự kiếm thức ăn trên vườn đồi của gia đình, mỗi ngày anh chỉ cho đàn lợn ăn thêm một ít cám khô hoặc thân cây ngô và lá chuối để lợn nhớ chuồng, không phải cất công đi “đuổi” lợn về nữa. Anh Thắng đã đầu tư gần 40 triệu đồng đổ cột bê tông gắn rào thép xung quanh vườn rừng để bảo vệ đàn lợn. Đến nay, gia đình anh có 8 con lợn nái đã bắt đầu sinh sản.

Thôn 7 Thống Nhất hiện có 5 hộ nuôi lợn đen lai lợn rừng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được Hội Nông dân xã tuyên truyền và nhân rộng trong toàn xã. Hội Nông dân xã đã tổ chức tập huấn và cho hội viên tham quan mô hình nuôi lợn đen lai lợn rừng ở thôn 7 Thống Nhất; thực hiện tín chấp cho các hội viên có nhu cầu vay vốn của các tổ chức tín dụng đầu tư xây dựng mô hình hiệu quả, nâng cao đời sống.

Từ mô hình nuôi lợn đen lai lợn rừng của hội viên Chi hội nông dân thôn 7 Thống Nhất, thấy rằng nếu biết phát huy lợi thế, tận dụng tiềm năng đất đai vườn rừng, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sản phẩm hàng hóa theo định hướng thị trường và gia tăng giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Có thể bạn quan tâm